Ngày 18-12, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến vụ án gian lận điểm thi năm 2018, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố bổ sung đối với bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn cùng về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 BLHS. Đồng thời cơ quan công an cũng thay đổi biện pháp ngăn chặn, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Cầm Thị Bun Sọn (trước đó được tại ngoại).
Ngoài ra, Công an tỉnh Sơn La còn khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Trần Văn Điện (một trong 18 đối tượng trung gian đưa thông tin thí sinh cho các bị cáo, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La) và Hoàng Thị Thành (phụ huynh có thí sinh được nâng điểm, chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) cùng về tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 BLHS.
Trước đó bị can Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) bị khởi tố bổ sung về tội nhận hối lộ. Đồng thời bị can Lò Thị Trường (một trong những phụ huynh có con được nâng điểm) bị khởi tố về tội đưa hối lộ.
Bị can Hoàng Thị Thành (bìa phải) bị khởi tố về tội đưa hối lộ. Ảnh: TP
Ngoài ra, CQĐT cũng thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị can Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) từ tại ngoại sang tạm giam.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, sau khi TAND tỉnh Sơn La mở phiên tòa xét xử rồi trả hồ sơ để điều tra bổ sung, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sơn La đã điều tra làm rõ nhiều vấn đề quan trọng.
Theo đó, chín bị can bị đề nghị truy tố về ba tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, nhận hối lộ và đưa hối lộ. Vụ án có 44 thí sinh được sửa, nâng điểm.
Đáng chú ý nhất là tình tiết về số tiền hàng tỉ đồng mà các bị can khai nhận từ phụ huynh và đối tượng trung gian để nâng điểm cho thí sinh. Điều khó tin là dù các bị can đã khai nhận và nộp lại số tiền mình hưởng lợi nhưng những người được cho là đưa tiền đều nhất mực phủ nhận.
Đặc biệt, Lò Văn Huynh bất ngờ thay đổi lời khai, phủ nhận việc nhận 1 tỉ đồng từ ông Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng Phòng PA03 Công an tỉnh Sơn La) để nâng điểm cho thí sinh.
Hồ sơ cho thấy ông Khoa là một trong 18 đối tượng trung gian, đóng vai trò cầu nối tiếp nhận thông tin thí sinh cần nâng điểm để chuyển tới các bị can. Suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 10, ông Huynh đều khai đã nhận của ông Khoa 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh. Số tiền này Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp cho cơ quan ANĐT.
Theo CQĐT, do Huynh thay đổi lời khai, cùng với việc ông Khoa phủ nhận đưa tiền nên chưa đủ căn cứ để quy kết hành vi đưa và nhận hối lộ 1 tỉ đồng.
“Không có yếu tố vụ lợi trong vụ án ở Hà Giang” (?!) Trong số ba tỉnh xảy ra gian lận điểm thi, Hà Giang là tỉnh duy nhất không chứng minh được tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Hồ sơ cho thấy Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (cựu trưởng phòng và cựu phó Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đã sửa điểm cho 107 thí sinh với 309 bài thi. Tuy nhiên, các gia đình có con em được nâng điểm khai không đưa tiền hoặc lợi ích vật chất để nhờ nâng điểm. Hoài và Lương cũng không thừa nhận được hưởng lợi ích vật chất gì mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè và người thân. CQĐT không thể thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Ngoài Hà Giang, hai tỉnh xảy ra gian lận điểm còn lại là Hòa Bình và Sơn La đều có yếu tố vụ lợi. Trong đó, Hòa Bình là nơi đầu tiên bị xác định có hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ và là vụ duy nhất trong ba vụ do Cơ quan ANĐT Bộ Công an trực tiếp thụ lý điều tra. Liên quan vụ án này, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 15 bị can về ba tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. CQĐT xác định các bị can đã thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật để nâng điểm cho 65 thí sinh (64 người năm 2018, một người năm 2017). Trong số này, 62 thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. |