Bé gái 3 tuổi bị nhiễm trùng nặng do mắc thủy đậu

(PLO)- Bé gái tuổi nhập viện trong tình trạng lưỡi và khoang miệng có nhiều vết loét, không thể ăn uống, được các bác sĩ chẩn đoán mắc thủy đậu nặng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-5, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết vừa tiếp nhận một bé gái 3 tuổi, ngụ ở xã Xuân An, huyện Yên Lập, vào viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng do bị thủy đậu.

Thời điểm nhập viện, trẻ tỉnh táo, sốt cao, toàn thân xuất hiện các nốt tổn thương, nhiều mụn chứa dịch, nhiều vị trí mụn vỡ để lại dịch mủ hoặc vảy tiết.

Đặc biệt, lưỡi và khoang miệng của trẻ có nhiều vết loét, được phủ kín bởi giả mạc khiến trẻ không thể ăn uống.

nhiễm trùng do thủy đậu.jpg
Trẻ bị tổn thương nghiêm trọng vùng miệng do mắc thủy đậu. Ảnh: BVCC

Xét nghiệm virus (EV71) gây bệnh tay chân miệng cho kết quả âm tính.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị thủy đậu bội nhiễm, chỉ định dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, hạ sốt, nâng cao sức đề kháng, vệ sinh các tổn thương trên da và chăm sóc răng miệng cho trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Huynh - Phó Trưởng khoa Nhi cho biết thêm: “Đây là ca bệnh mắc thủy đậu bội nhiễm nặng cần theo dõi và điều trị tại bệnh viện”.

Bác sĩ Huynh khuyến cáo thủy đậu không chỉ là những tổn thương trên da, mà còn có thể gặp ở cả niêm mạc và nội tạng. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm da bội nhiễm, viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thận, viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết.

Thủy đậu là bệnh lành tính có thể điều trị tại nhà, nhưng cha mẹ không nên chủ quan. Cần cho trẻ đi khám ngay nếu thấy xuất hiện một trong các triệu chứng như: các biến chứng trên da; các biểu hiện đường hô hấp như khò khè, khó thở, rối loạn hô hấp, ho kéo dài; các dấu hiệu thần kinh như lơ mơ, mất phương hướng, mất kiểm soát liên quan đến não.

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây truyền do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus gây nên. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này.

Giai đoạn khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi các nốt phỏng nước ở vùng đầu, mặt, chi và thân. Các mụn nước này xuất hiện rất nhanh, trong vòng 12 đến 24 giờ có thể nổi toàn thân.

Ở trẻ nhỏ, ngoài triệu chứng nổi mụn nước còn kèm theo sốt cao, bỏ ăn, quấy khóc hoặc nôn ói.

Tiêm vaccine phòng chống bệnh thủy đậu là biện pháp hữu hiệu, có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus. Trẻ em từ 12-18 tháng tuổi, và trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thủy đậu lần nào, cần tiêm một lần.

Trẻ trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4 đến 8 tuần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm