Thông qua ứng dụng Be, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ vận tải, giao hàng, đặt đồ ăn, đi chợ hộ, mua vé máy bay, vé xe khách, ngân hàng số Cake by VPBank. Bên cạnh đó là các tiện ích khác như mua bảo hiểm, nạp tiền điện thoại.
Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng Giám đốc Be Group chia sẻ beFood có vai trò quan trọng, giúp hãng hoàn thiện hệ sinh thái sau khi đạt một số thành tựu nhất định ở các mảng như vận tải, giao hàng, đi chợ hộ, ngân hàng số Cake by VPBank và nhiều tiện ích khác.
Be Group ra mắt dịch vụ beFood. Ảnh: CTV. |
Những yếu tố hỗ trợ của thị trường cộng với kinh nghiệm trong ngành công nghệ và vận tải sẽ tăng lợi thế giúp việc gia nhập thị trường giao đồ ăn thuận lợi hơn.
Mặt khác, Be có thể củng cố hệ sinh thái B2C bằng cách tăng thu nhập cho tài xế, thêm lựa chọn cho khách hàng với một sản phẩm có tần suất cũng như giá trị đơn cao hơn dải sản phẩm gọi xe, giao hàng.
“Đây cũng là bước đi tiếp nối kết quả quý I-2022, khi Be phục hồi và tăng trưởng thị phần mạnh mẽ sau COVID-19. Cùng với các chính sách như hỗ trợ tài xế trong dịch, không tăng giá dịch vụ khi giá xăng tăng cao, sự ra mắt của beFood tiếp tục khẳng định hướng đi bền vững tại thị trường Việt Nam"- bà Yến cho biết thêm.
Sự xuất hiện của beFood diễn ra trong bối cảnh thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam và thế giới đang diễn ra sôi động, tiềm năng lớn. Theo báo cáo của McKinsey, thị trường giao thực phẩm toàn cầu hiện trị giá hơn 150 tỉ USD, tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2017.
Theo báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2021 được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào năm 2021, ngành vận tải và thực phẩm tại Việt Nam dự báo sẽ đạt lợi nhuận 5,7 tỉ USD và tăng trưởng 24% vào năm 2025.
Nghiên cứu của Statista Global Consumer Survey cho thấy, doanh thu mảng giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam dự kiến đạt 457 triệu USD vào năm 2022 và tăng trưởng ở mức 7,87% mỗi năm giai đoạn đến 2026.