Bờ biển Cồn Ngoài (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, Bến Tre) dài khoảng 12km, do tác động của biến đổi khí hậu, khoảng 10 năm nay nơi đây đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Theo thống kê, bờ biển Cồn Ngoài có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng hơn 5km. Trong đó có có hơn 1,2km đã được nhà nước đầu tư làm kè kết cấu mái nghiêng bằng bê tông cốt thép với tổng nguồn vốn được phân bổ để thực hiện khoảng 85 tỉ đồng.
Ngành chức năng của tỉnh khảo sát tình hình sạt lở tại biển Cồn Ngoài. Ảnh: Đ.HÀ |
Đến nay ngoại trừ khu vực đã được xây kè kiên cố, đoạn bờ biển còn lại dài hơn 3,8km ở Cồn Ngoài chưa được làm kè đang tiếp tục bị sóng biển uy hiếp, xâm thực đặc biệt vào mùa mưa bão hay triều cường dâng cao.
Gia đình ông Mai Văn Tia ở ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nề do sạt lở bờ biển. Ông Tia kể, khoảng 10 năm trở lại đây, sóng biển làm sạt lở ăn sâu vô phần đất của gia đình ông khoảng 500m, mất 1ha đất trồng màu. Cũng trong 10 năm qua, gia đình ông Tia phải 3 lần di dời nhà, chạy sạt lở.
“Kể từ ngày mất đất, không còn đất trồng màu tôi chuyển sang sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Hiện căn nhà che tạm của gia đình tôi và 1.000m2 đất còn lại đang ở sát với bờ biển có nguy cơ sẽ tiếp tục sạt lở trong mùa gió chướng sắp tới tôi rất lo lắng.” – Ông Tia buồn rầu nói.
Ông Mai Văn Tia một trong những hộ dân bị ảnh hưởng của sạt lở đứng thẫn thờ bên bờ biển. Ảnh: Đ.HÀ |
Không riêng gì hộ ông Tia, dọc bờ biển Cồn Ngoài có 2 căn nhà bị sóng biển đánh nằm nghiêng ngả, tường bê tông đổ nát nằm vương vãi ngoài bãi biển, người dân thì đã di chuyển đi nơi khác.
Những hàng cây chắn sóng dọc bờ biển theo thời gian cũng không chịu nỗi những đợt sóng dồn dập đánh vào bờ, nhiều cây đã bị sóng biển đánh bật trơ gốc. Để bảo vệ đất trồng hoa màu bên trong, người dân đã đóng cọc và gia cố bằng bao cát nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Ông Khổng Minh Tặng – Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận cho biết, sạt lở ở bờ biển Cồn Ngoài đã xảy ra hàng chục năm nay. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, cứ hằng năm biển xâm thực sâu vào đất liền khoảng 100-150m.
Sóng biển đánh sập nhà dân ở bờ biển Cồn Ngoài. Ảnh: Đ.HÀ |
Tại ấp Thạnh Hải có 68 hộ dân, trong đó có 31 hộ bị thiệt hại trực tiếp từ sạt lở bờ biển. Cụ thể, trong thời gian vừa qua có nhiều nhà dân bị sóng đánh sập phải di dời vào đất liền và 21ha đất trồng màu bị sạt lở hoàn toàn, người dân mất đất canh tác.
“Trước tình hình sạt lở bờ biển Cồn Ngoài diễn ra ngày càng nghiêm trọng chính quyền địa phương xã không có kinh phí để hỗ trợ người dân, chủ yếu vận động người dân làm kè gia cố tạm thời để bảo vệ tài sản” – Ông Tặng cho biết.
Cũng theo ông Tặng, kể từ khi đoạn 1,2km bờ biển Cồn Ngoài được xây kè đã mang lại hiệu quả thiết thực, đoạn này đã không còn sạt lở, diện tích đất sản xuất, đời sống của người dân được ổn định. Chính quyền xã cũng mong muốn nhà nước sớm đầu tư làm đoạn kè còn lại ở khu vực bờ biển này.
Người dân đóng cọc gia cố tạm thời ngăn sạt lở nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Ảnh: Đ.HÀ |
Ông Nguyễn Văn Điền – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng các công tình NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, thời gian qua được các Bộ ngành Trung ương và địa phương, hỗ trợ tỉnh xây dựng xong hơn 1,2km/5km kè ngăn bị sạt lở tại biển Cồn Ngoài. Hiện còn hơn 3,8 km bờ biển nơi đây đang bị sạt lở chưa được đầu tư làm kè.
“Ban cũng đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 100 tỉ đồng để triển khai xây dựng đoạn kè còn lại nhằm khắc phục sạt lở bờ biển, khép kín tuyến kè đã được đầu tư trước đó để tăng khả năng, hiệu quả ngăn sạt lở, bảo vệ lâu dài.” – Ông Điền cho biết.
Hai ngôi nhà bị sóng biển đánh tang hoang. Ảnh: Đ.HÀ |
Bến Tre có khoảng 65km bờ biển, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng 5 dự án khắc phục tình trạng xói lở bờ biển với tổng chiều dài hơn 4,5km, tổng mức đầu tư gần 230 tỉ đồng.