Các hộ dân cư ngụ ven khu vực tuyến đê biển Tây (đoạn vàm Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) đang đối mặt với mối hiểm họa sạt lở. Ảnh: Kim Há/TTXVN
Theo cơ quan chức năng của tỉnh, trong số những vị trí sạt lở gây ảnh hưởng đến tuyến đê biển Tây, lưu ý nhất là hai điểm sạt lở mới rất nguy hiểm thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời với chiều dài 3,6 km. Cụ thể, khu vực bờ Bắc và bờ Nam vàm Kinh Mới, xã Khánh Bình Tây và xã Khánh Hải có chiều dài sạt lở là 1,2 km; khu vực bờ Bắc và bờ Nam vàm Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây có chiều dài sạt lở 2,4 km.
Do các đoạn trên không có kè chắn bên ngoài nên nguy cơ sạt lở vào thân đê vẫn đang tiếp diễn. Nhiều diện tích rừng khó có thể trụ vững trước tình trạng bờ biển Tây bị sạt lở với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo Hạt Quản lý đê điều phối hợp với UBND huyện Trần Văn Thời triển khai các biện pháp hộ đê khẩn cấp.
Được biết trong tổng số hơn 90 km tuyến bờ biển Tây hiện hữu của tỉnh Cà Mau có gần 60 km bị sạt lở. Ngoài ra, nhiều vị trí thuộc bờ biển Đông của tỉnh cũng nằm trong tình trạng sạt lở hết sức nguy hiểm.
Trước tình hình trên, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để tỉnh gấp rút triển khai thực hiện trước các công trình mang tính bức thiết nhằm ứng phó với nước biển dâng; nhất là ưu tiên đầu tư xây dựng công trình kè tạo bãi ngăn sạt lở, khôi phục rừng phòng hộ ven biển.