Tỷ lệ nhiễm ký sinh sinh trùng rất cao ở tất cả các mẫu xét nghiệm (từ 80-100%). Bên cạnh đó, mẫu nước, mẫu bùn, mẫu nghêu đều bị nhiễm Vibrio parahaemolyticus, một loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh cao cho hầu hết các đối tượng thủy sản.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, tổng diện tích nghêu bị thiệt hại tại hai huyện Bình Đại và Ba Tri từ giữa tháng Ba đến nay hơn 1.000ha, tỷ lệ thiệt hại phổ biến từ 30-40% số lượng nghêu trên bãi, thiệt hại ước tính gần 1.500 tấn.
Trong số các hợp tác xã xuất hiện tình trạng nghêu chết, Hợp tác xã An Thủy (xã An Thủy, huyện Ba Tri) bị thiệt hại nặng nhất với 700/700ha với sản lượng khoảng 900 tấn; kế đến là Hợp tác xã Rạng Đông với 200/450 ha; các Hợp tác xã Bảo Thuận và Tân Thủy đều thuộc huyện Ba Tri cũng bị thiệt hại nhưng ít hơn. Riêng các hợp tác xã tại huyện Thạnh Phú thiệt hại không đáng kể.
Đến nay, tình hình nghêu chết đã có dấu hiệu lắng dịu.
Kết quả khảo sát cho thấy nghêu chết chủ yếu tập trung ở nhóm tham gia sinh sản; những nơi có mật độ dày hoặc khu vực gần bờ, bãi cao có tỷ lệ chết cao hơn; các hợp tác xã kịp can thiệp, san thưa nghêu ra các khu vực bãi sâu có tỷ lệ nghêu chết thấp hơn rõ rệt.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, ngay từ đầu năm 2015, các hợp tác xã đã chủ động hạ giá thành để tập trung khai thác nghêu bán ra thị trường, đồng thời chủ động san thưa nghêu tại một số khu vực để hạn chế thiệt hại do nắng nóng. Tuy nhiên, thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng đến sớm và kéo dài nên tình trạng nghêu chết không tránh khỏi.
Phương hướng hiện nay là theo dõi chặt chẽ tình hình nghêu chết, tình hình thời tiết để chỉ đạo kịp thời, đồng thời khuyến cáo các hợp tác xã tiếp tục san thưa bãi nghêu, thu gom vỏ nghêu, vệ sinh bãi nghêu chết và tập trung thu hoạch nghêu giống, nghêu thịt đạt kích cỡ thương phẩm.
Theo vietnamplus