Bệnh viện Chợ Rẫy điều hơn 180 y bác sĩ hỗ trợ TP.HCM điều trị COVID-19

Sáng 9-7, đội chi viện đầu tiên của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) gồm 10 bác sĩ và 10 điều dưỡng đã đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ để tham gia điều trị các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 tại đây.

Đây là một trong 6 đội được BV Chợ Rẫy điều động, chi viện cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TP. Cụ thể, 181 nhân viên y tế của BV Chợ Rẫy (81 bác sĩ và 100 điều dưỡng) được chia thành 6 đội đến hỗ trợ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19  đang tăng cao tại TP.HCM trong thời gian gần đây.

BS CK2 Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV chợ Rẫy, cho biết theo kế hoạch, sáng mai (10-7), 5 đội còn lại sẽ tiếp tục lên đường hỗ trợ cho các BV: BV điều trị COVID-19 Củ Chi, BV điều trị COVID-19 Thủ Đức, BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 tại Đại học Quốc gia TP.HCM, BV điều trị COVID-19 Bình Chánh và sắp tới sẽ là BV dã chiến điều trị COVID-19 tại Thuận Kiều Plaza.

Ngoài ra, hiện BV cũng đang chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án nhân sự, trang thiết bị để tiếp nhận 300 bệnh nhân COVID-19 nặng của TP.HCM.

20 y bác sĩ trước giờ lên đường chi viện Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ. Ảnh: BVCC

Lần đầu tiên đi chi viện điều trị bệnh nhân COVID-19, BS Huỳnh Thị Kim Thoa, Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức BV Chợ Rẫy, chia sẻ sẵn sàng lên đường hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 trong thời gian hơn một tháng. Bản thân thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chị đã quen với áp lực công việc và hi vọng sẽ góp sức mình để giúp các bệnh nhân hồi phục, nhanh chóng xuất viện.

ThS Nguyễn Thị Oanh, Trưởng phòng điều dưỡng BV Chợ Rẫy, cho biết vừa qua BV đã phân công nhiều nhân viên hỗ trợ TP lấy mẫu xét nghiệm, gần đây nhất là chợ Bình Điền. Một số nhân viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trước khi tham gia chi viện, các nhân viên đều được tập huấn kiến thức về hồi sức, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của người bệnh. 

Đội ngũ chi viện tùy theo nhu cầu của mỗi nơi được đào tạo hồi sức, tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm đảm bảo chăm sóc bệnh nhân an toàn, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của người bệnh.

“Đợt dịch này bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh nên bên cạnh công tác điều trị, chúng tôi hướng dẫn các điều dưỡng cần phải theo dõi sát sao, làm thế nào phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh COVID-19 thường rất hoang mang khi nhiễm bệnh, động viên tinh thần cho người bệnh cũng vô cùng quan trọng” - ThS Oanh chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm