Bệnh viện ở TP.HCM vững vàng trước 2 thử thách

Điển hình, ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục hưng (quận Gò Vấp) được phát hiện từ ba ca chỉ điểm đến Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định để khám ho, sốt. Từ đây, hệ thống dự phòng đã sớm truy vết và phát hiện ra chuỗi lây nhiễm từ điểm nhóm này.

Bệnh viện phát hiện hàng chục ca bệnh COVID-19

Ba ca bệnh thành viên điểm nhóm hội thánh dù không có yếu tố dịch tễ nhưng có các triệu chứng ho, sốt, mất khứu giác đã được nhân viên BV Nhân dân Gia Định hướng dẫn đến buồng khám sàng lọc, giữ lại ở buồng cách ly tạm trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm.

Đến ngày 29-5, BV Nhân dân Gia Định tiếp tục phát hiện một cụ ông 83 tuổi bị yếu nửa người, chỉ sốt, không ho, không đau họng, không mất khứu giác và vị giác mắc COVID-19. Bệnh nhân được đưa vào buồng sàng lọc cấp cứu tách hẳn với khoa cấp cứu, có trang bị đầy đủ phương tiện để cấp cứu và lấy mẫu xét nghiệm. Nhờ vậy, virus đã không có cơ hội lây lan ra môi trường BV.

Sau đó, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng tiếp nhận một thai phụ không có yếu tố dịch tễ đến khám ho, sốt, qua xét nghiệm sàng lọc dương tính. Sau này, thai phụ và chồng được xác định mắc COVID-19 do có liên quan đến ổ dịch điểm nhóm hội thánh.

Tiếp theo là các BV: BV quận Tân Phú, BV Quốc tế City, BV quận Gò Vấp, BV quận Bình Thạnh, BV FV, BV quận 7, BV đa khoa khu vực Hóc Môn, BV Thống Nhất, BV Trưng Vương... cũng lần lượt ghi nhận các ca bệnh đến khám.

BS Nguyễn Chí Tài, Phó Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết tất cả bệnh nhân khi vào BV đều được phân luồng, khám sàng lọc. Đối với bệnh nhân cấp cứu, BV bố trí một khu khám sàng lọc trước khi vào khoa cấp cứu và được test nhanh âm tính thì mới đưa vào khu bệnh nhân lưu trú của khoa cấp cứu. Đối với các bệnh nhân nội trú thì BV thực hiện tất cả test nhanh cũng như xét nghiệm RT-PCR tùy theo đối tượng, khi có kết quả âm tính thì mới được di chuyển vào trong các khoa nội trú. Đối với bệnh nhân có chỉ định cấp cứu khẩn thì sẽ đưa vào phòng áp lực âm để tiến hành các thủ tục phẫu thuật, cấp cứu, đồng thời xét nghiệm COVID-19.

Nhân viên y tế BV Lê Văn Thịnh đang thăm khám cho bệnh nhân tại phòng khám ho, sốt tách biệt với BV. Ảnh: A.BÌNH 

Cần phân biệt phong tỏa và tạm ngưng hoạt động

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, nhìn nhận trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 khi xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng, các BV đang đứng trước hai thách thức lớn: Hoặc sẽ trở thành nơi lây lan mầm bệnh nếu thực hiện không tốt sàng lọc, cấp cứu sàng lọc. Hoặc là nơi phát hiện ca mắc mới có nguồn gốc trong cộng đồng để hệ thống dự phòng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

Theo đánh giá của PGS-TS Tăng Chí Thượng, các BV đang ở thế chủ động khi phát hiện ca bệnh, báo cho hệ thống dự phòng truy vết, khoanh vùng, chưa có trường hợp nào nằm viện rồi mới phát hiện.

PGS-TS Tăng Chí Thượng lưu ý: “Cần phân biệt tạm ngưng hoạt động khám bệnh và phong tỏa. Tạm ngưng là để BV có thời gian rà soát, khử khuẩn, tiếp nhận chủ động chứ không bị động, còn phong tỏa là nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai ở đâu ở yên đó để BV có thời gian rà soát toàn bộ quá trình tiếp xúc của ca bệnh mà BV đã phát hiện bị động, nghĩa là người bệnh đã vào BV mới phát hiện ra dương tính chứ không phải ở khu sàng lọc” - PGS-TS Thượng lý giải.

Theo PGS-TS Thượng, hiện chỉ có hai BV tạm phong tỏa là BV quận Tân Phú và BV Nam Sài Gòn. Do giai đoạn đầu các BV chưa quen nên cần phải rà soát, truy xuất kỹ camera xem những người tiếp xúc gần bệnh nhân này. Để truy xuất camera có khi cần mất vài giờ đồng hồ.

“Về nguyên tắc, BV chủ động sàng lọc tốt thì không có lý do gì phải tạm ngưng, còn trường hợp bị động nghĩa là bệnh nhân đã vào BV khám, đi xét nghiệm nhiều nơi, nhập viện rồi sau đó vì lý do gì đó phát hiện dương tính thì hoàn toàn bị động. Khi đó, BV thực sự cần phải phong tỏa để có đủ thời gian tổng rà soát, cách ly các trường hợp tiếp xúc, thậm chí có thể kiểm tra, xét nghiệm toàn bộ nhân viên, bệnh nhân tại BV trước khi khử khuẩn và cho BV hoạt động lại. Chúng tôi đang cho các BV quen dần và làm quy trình tốt thì không việc gì phải tạm ngưng nữa” - PGS-TS Thượng phân tích.

Cũng theo PGS-TS Thượng, người dân có vai trò rất quan trọng trong hoạt động kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh. “Trách nhiệm của người dân là cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc 5K. Khi có các dấu hiệu sốt, đau họng, mất khứu giác nên đến các BV khai báo để khám sàng lọc ngay có bị nhiễm COVID-19 hay không. Khi đến BV cần khai báo trung thực các dấu hiệu bệnh, yếu tố dịch tễ giúp BV chủ động sàng lọc, tránh nguy cơ BV phải ngưng hoạt động, rà soát củng cố hoặc làm dịch bệnh lây lan trong BV”.

Xét nghiệm nhanh và khẳng định tất cả trường hợp ho, sốt

Ngày 9-6, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn lưu ý không bỏ sót người bệnh có yếu tố dịch tễ và yếu tố nguy cơ, đảm bảo vận chuyển người bệnh nghi nhiễm COVID-19 an toàn. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các BV xem người bệnh từ địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 (nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16) đến khám bệnh là có yếu tố dịch tễ, thăm khám tại buồng khám sàng lọc và tầm soát COVID-19.

Trong giai đoạn hiện nay, khi người bệnh không có yếu tố dịch tễ nhưng có một trong các triệu chứng thường gặp của COVID-19 như sốt, đau họng, ho, thay đổi khứu giác, vị giác... thì phải xem người bệnh có yếu tố nguy cơ và phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 (test nhanh kháng nguyên và RT-PCR).

Nếu test nhanh dương tính, tiếp tục cách ly đợi kết quả xét nghiệm RT-PCR, triển khai biện pháp phòng chống dịch. Nếu test nhanh âm tính, cho bệnh nhân theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR.

Các BV phải đảm bảo an toàn khi chuyển tuyến theo đúng quy định khi người bệnh có kết quả khẳng định mắc COVID-19.

Trong trường hợp người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu, kíp trực phải đánh giá kỹ tình trạng của người bệnh và xin ý kiến tư vấn chuyên môn của BV tuyến trên (nơi sẽ tiếp nhận người bệnh) trước khi chuyển viện.

Trường hợp người bệnh trong tình trạng nguy kịch đe dọa tử vong, kíp trực phải xử trí hồi sức cấp cứu tại chỗ, đồng thời kích hoạt quy trình báo động đỏ liên viện với các chuyên gia nhiễm, hồi sức cấp cứu của các BV tuyến trên để được hỗ trợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm