Bí ẩn cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh

Ngày 4-3 vừa qua, BV Salisbury, Anh đã tiếp nhận hai nạn nhân trong tình trạng nguy kịch sau khi “nghi bị phơi nhiễm với một hóa chất chưa rõ danh tính”. Một trong hai cá nhân này từng là một cựu điệp viên người Nga nhưng hoạt động hai mang cho Anh, bị Moscow kết tội phản quốc và bị tống giam trong năm năm trời. Truyền thông Anh và quốc tế xác nhận nhân vật này là Sergei Skripal, là đối tượng có giá trị cao trong vụ trao đổi điệp viên năm 2010 giữa Anh, Mỹ và phía Nga.

Nghi án ám sát

Trước đó, vào trưa 4-3, theo thông tin của văn phòng cảnh sát vùng Wiltshire, một người đàn ông tầm 60 tuổi và một phụ nữ tầm 30 tuổi đã được tìm thấy bất tỉnh trên một băng ghế nằm trong trung tâm thương mại Malting ở Salisbury. Đại diện của cơ quan này cho biết bước đầu nhận thấy hai nạn nhân này có quen biết nhau và đều đang trong tình trạng nguy kịch.

Tờ Los Angeles Times dẫn lời các quan chức chính phủ Anh cho biết người phụ nữ đang trong tình trạng nguy kịch nói trên chính là con gái của ông Skripal. Một thông báo của cảnh sát Anh ngày 6-3 sau đó cho biết các đơn vị chống khủng bố đã tiếp nhận lãnh đạo điều tra vì “tính chất bất bình thường” của vụ án đòi hỏi chuyên môn đặc biệt.

Tuy nhiên, vụ án cho đến nay vẫn chưa được chính thức xem là một sự kiện khủng bố. Kier Pritchard, đại diện chính quyền vùng Wiltshire, cho biết: “Đây là một vụ điều tra có tính chất diễn biến nhanh. Mục tiêu tập trung của chúng tôi là tìm hiểu nguyên do khiến các nạn nhân lâm vào tình trạng sức khỏe nguy kịch, cũng như liệu có hành động phạm pháp nào hay không”. Có thông tin cho rằng “chất lạ” mà Skripal và con gái ông đã tiếp xúc là fentanyl, một chất giảm đau có khả năng gây nghiện với dược tố mạnh gấp nhiều lần heroin. Theo tờ The Guardian, chất fentanyl có khả năng gây chết người chỉ với một liều lượng nhỏ.

Sự kiện đã làm dấy lên những nghi ngờ đây là một vụ trừ khử điệp viên phản bội của Nga, đặc biệt trong bối cảnh Skripal từng bị chính quyền Moscow kết tội phản quốc. Không chỉ vậy, cũng từng có cựu điệp viên Nga bị ám sát tại Anh. Năm 2006, Alexander Litvinenko, cựu nhân viên tình báo của FSB, đã bị ám sát bằng một tách trà pha chất phóng xạ vào năm 2006. Hung thủ được cơ quan chức năng xác định là Andrei Lugovoi, một cựu nhân viên cục tình báo Nga FSB.

Ông Sergei Skripal tại tòa án Nga vào năm 2006. Ảnh: AP

Hình ảnh được cho là hai cha con ông Skripal được camera an ninh quay 20 phút trước lúc hai người bất tỉnh. Ảnh: GETTY

Cô Yulia Skripal cùng cha mình hiện đang trong tình trạng nguy kịch sau khi tiếp xúc chất lạ. Ảnh: BBC

Sergei Skripal là ai?

Như đã nói ở trên, trung tâm của vụ án đang làm chấn động cộng đồng tình báo Anh là một cựu điệp viên Nga mang tên Sergei Skripal, 66 tuổi. Vào năm 2010, để đổi lấy Skripal và ba người Nga khác, chính phủ Anh đã đồng ý trao lại cho Nga đến 10 điệp viên ngầm của Moscow cài cắm trên đất Mỹ bị Cục Điều tra liên bang (FBI) bắt giữ.

Tờ The Guardian cho biết Skripal từng là một đại tá trong Tổng cục Tình báo, Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga (GRU) chuyên trách tình báo nước ngoài. Ông sau đó làm việc cho Bộ Ngoại giao Nga rồi đổi sang lĩnh vực kinh doanh, hãng tin AP cho biết. Báo chí phương Tây nhận định GRU là cơ quan bí ẩn và quyền lực nhất trong số ba cơ quan tình báo của nước này. Tháng 8-2006, tòa án Nga tuyên ông 13 năm tù giam vì làm điệp viên cho nước Anh, bị kết tội “phản quốc nghiêm trọng dưới hình thức hoạt động tình báo”. Các công tố viên Nga cho biết Skripal đã cung cấp cho Cục Tình báo Anh MI6 danh tính của nhiều điệp viên Nga đang hoạt động ngầm tại châu Âu từ những năm 1990. Đổi lại, MI6 đã trả cho Skripal 72.000 bảng Anh (gần 100.000 USD), các công tố viên Nga khi đó cho biết.

Sau khi được cấp quyền tị nạn chính trị tại Anh, Skripal sống một cuộc sống khá yên tĩnh tại vùng Wiltshire chứ không tham gia cac hoạt động giảng dạy và bình luận về chính trị Nga như những cựu điệp viên khác tị nạn phương Tây. Có thông tin cho rằng để giữ an toàn cho “tài sản tình báo”, cơ quan chức năng tại Anh đã cấp cho ông danh tính mới, một ngôi nhà mới và chế độ hưu trí tốt. Căn nhà mà ông sống cùng gia đình được mua chỉ một năm sau vụ trao đổi điệp viên, trị giá 260.000 bảng Anh (hơn 360.000 USD).

Thế nhưng bi kịch vẫn không buông tha cuộc sống của Skripal. Người vợ của ông là Liudmila vào năm 2012 đã qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Năm 2017 vừa qua, người con trai duy nhất của ông cũng đã qua đời tại Nga vì một căn bệnh bí ẩn. Cô con gái Yulia là người thân cuối cùng của ông Skripal và hiện cũng đang trong tình trạng nguy kịch.

Căng thẳng ngoại giao

Sự kiện tại Salisbury đang có nguy cơ leo thang thành căng thẳng ngoại giao. Chính phủ Anh lần này đã mạnh tay đe dọa tẩy chay World Cup 2018 tại Nga và áp lệnh trừng phạt nếu phát hiện Moscow dính líu tới nghi án đầu độc Sergei Skripal. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ dùng tới bất cứ biện pháp nào được cho là cần thiết. “Nếu xuất hiện các bằng chứng cho thấy chính phủ Nga có liên đới, chính phủ Anh sẽ có hành động phản ứng thích hợp và mạnh mẽ. Hành động cướp đi tính mạng của người vô tội trên đất Anh sẽ không thể được cho qua mà không chịu sự trừng phạt hoặc trừng trị” - Ngoại trưởng Johnson khẳng định.

Phát biểu trước Hạ viện, ông Johnson cũng nhắc lại vụ ám sát Litvinenko tháng 11-2006 ngay giữa thủ đô London. Ủy ban Điều tra của Anh vào năm 2016 đã kết luận cơ quan tình báo Nga FSB đứng sau vụ ám sát. Tuy nhiên, đến nay hai công dân Nga bị chính phủ Anh cáo buộc thực hiện vụ ám sát là cựu điệp viên FSB Andrei Lugovoi và cựu quân nhân Liên Xô Dmitry Kovtun vẫn không được dẫn độ về Anh. Tờ The Guardian cho biết ông Lugovoi hiện đang làm việc trong Duma quốc gia Nga.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trên đài phát thanh rằng những phát biểu của ngoại trưởng Anh là “độc ác”. Còn Đại sứ quán Nga tại London cho rằng thay vì yêu cầu làm rõ vụ việc “một cách chính thức và đúng đắn” thì Bộ trưởng Johnson lại đe dọa trả thù. “Ngài ngoại trưởng nói như thể công tác điều tra đã hoàn tất và Nga phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra ở Salisbury” - theo thông cáo của Đại sứ quán Nga. Hiện các thông tin nhắm vào Nga xoay quanh sự kiện tại Salisbury vẫn chỉ nằm ở mức độ phỏng đoán của truyền thông phương Tây. Trong khi đó, Nga thậm chí đã có tuyên bố bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác giúp chính phủ Anh điều tra vụ việc.

Trao đổi điệp viên kiểu Chiến tranh lạnh

Vụ trao đổi điệp viên giữa Anh-Mỹ và Nga vào năm 2010 được truyền thông phương Tây mô tả là không khác gì một cuộc trao đổi con tin… thời Chiến tranh lạnh.

Trước khi vụ trao đổi diễn ra, FBI đã phát hiện được một chương trình cài cắm gián điệp của Nga trên lãnh thổ Mỹ. Các mật vụ Nga được xây dựng lớp vỏ bọc rất kỹ lưỡng, tạp chí Time cho biết. Họ sống ở cả khu vực ngoại ô bình lặng, làm những công việc văn phòng bình thường, cũng có những cái tên đậm chất Anh và cũng cổ vũ thể thao Mỹ như bao người. Một số thậm chí đã lập gia đình, sinh con tại Mỹ. Trong số các điệp viên ngầm này, nổi tiếng nhất có lẽ là cô Anna Kuschenko, con gái của một nhà ngoại giao Nga. Nữ điệp viên này làm việc tại Ngân hàng Barclay, sống ở New York và thậm chí có hộ chiếu Anh sau khi cưới ông Alex Chapman.

Chỉ vài tiếng sau khi các bị cáo này thừa nhận trước tòa họ là điệp viên nước ngoài, nhóm điệp viên được đưa thẳng đến Vienna để tình báo Anh và Mỹ đổi lấy bốn tù nhân Nga, trong đó có Skripal. Theo đài BBC, vụ trao đổi diễn ra ngay trên sân bay để các điệp viên không chính thức đặt chân lên lãnh thổ Áo. Máy bay hai phía đậu sát nhau và cầu thang được trùm kín.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm