Vừa qua, khi giải quyết vụ án thao túng chứng khoán, TAND TP Hà Nội đã áp dụng hình phạt phạt tiền đối với cựu chủ tịch Công ty chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng. Ông Tùng bị phạt tiền 2 tỉ đồng vì đã chỉ đạo nhân viên thao túng chứng khoán, gây thiệt hại cho 31 nhà đầu tư.
Nhiều bạn đọc thắc mắc việc tòa áp dụng hình phạt phạt tiền có phải là do ông Tùng không phạm tội. Dưới đây là chia sẻ của luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết (Đoàn Luật sư Hà Nội) về vấn đề này.
Người bị Tòa án áp dụng hình phạt chính là phạt tiền trong các vụ án hình sự không có nghĩa là không phạm tội. Người đó đã thực hiện hành vi phạm tội và có tội. Tuy nhiên, căn cứ tính chất mức độ của hành vi được áp dụng mức hình phạt là phạt tiền thay vì phạt tù.
Các hình phạt trong pháp luật hình sự, theo mức độ nghiêm khắc tăng dần, gồm có hình phạt từ cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình.
Đối với hình phạt bổ sung, BLHS 2015 quy định các hình phạt: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính).
Theo Điều 51 BLHS, khi xét xử, tòa sẽ cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng để quyết định mức hình phạt.
Vì vậy, đối với các tội phạm mà căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm, tòa xét thấy không nhất thiết phải áp dụng hình phạt tù thì tòa có thể xem xét các hình phạt khác, trong đó có hình phạt tiền.
Theo Điều 35 BLHS, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp: Người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định; Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.
Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1 triệu đồng
Đứng dưới góc độ người bào chữa, chúng tôi thấy rằng, việc áp dụng hình phạt tiền sẽ tạo điều kiện để người phạm tội tiếp tục lao động, phát huy được kiến thức chuyên môn, đồng thời cũng giúp nhà nước thu hồi tài sản thất thoát, giảm chi phí trong công tác thi hành án phạt tù tại các trại giam.
Theo điểm a khoản 2 Điều 70 BLHS thì trong thời hạn 1 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tiền người phạm tội không thực hiện hành vi phạm tội mới thì đương nhiên được xóa án tích và coi như chưa bị kết án.
Sau thời hạn 1 năm này, người phạm tội đương nhiên được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội tiếp thì tính là thực hiện hành vi phạm tội lần đầu. Trường hợp hành vi phạm tội là tội phạm ít nghiêm trọng thì khi xét xử được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm I khoản 1 Điều 51 BLHS về “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”
Khi chưa hết thời hạn 1 năm xóa án tích, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội tiếp thì được coi là “Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm” và đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h Khoản 1 Điều 52 BLHS.
Khi đưa tội phạm ra xét xử đối với hành vi được thực hiện tiếp này, người phạm tội sẽ chịu trách nhiệm đối với hành vi phạm tội của mình và chịu thêm mức hình phạt do áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm”.