Bi hài chuyện giám sát ở V-League

Ở những giải quốc tế thuộc FIFA hay AFC, quyền uy của một giám sát rất lớn và trách nhiệm của giám sát cũng rất cao. Nó được kiểm chứng qua hàng loạt quy định mà giám sát phải tuân thủ với trách nhiệm kiểm tra và bắt buộc ban tổ chức sân (địa phương) phải thực hiện theo đúng những hạng mục.

Giám sát ở đâu khi màn hình trực tiếp chạy trên sân sai quy định
suốt cả trận đấu, đến khi có sự cố thì chỉ trích trọng tài và khiển trách
ban tổ chức sân? Ảnh: ANH THỎA

Còn nhớ bóng đá Việt Nam (VN) từng đua các hạng mục theo quy chuẩn rất gắt gao khi FIFA đặt ra hàng loạt quy định bắt buộc đối với ban tổ chức trận đấu hoạt động trong phạm vi sân Mỹ Đình - sân nhà của đội tuyển VN. Từ mặt cỏ, đường kẻ, cầu môn, hàng ghế cho khán giả đến các khu vực cho quan chức, báo chí, truyền hình, biển quảng cáo, phòng VAR, máy quay, máy chiếu, màn hình… đến những quy định gắt gao của một trận đấu. Bất kỳ hạng mục nào không hoàn thành hoặc thiếu sót đều được báo cáo đầy đủ và thậm chí là sẵn sàng bị chế tài hay cấm bóng lăn.

Cũng hệ thống đấy, V-League cũng đặt ra công tác cho các giám sát được xem là cánh tay nối dài của ban tổ chức giải. Giám sát trận đấu với nhiệm vụ tổng thể liên quan công tác tổ chức một trận đấu, còn giám sát trọng tài thì gói gọn trong việc báo cáo về công tác trọng tài.

Các giám sát trước giải bao giờ cũng được tập huấn, được hướng dẫn rất cụ thể và buộc phải nắm các điều luật, các quy định.

Thế nhưng ở V-League, các giám sát vẫn được hưởng đủ các tiêu chuẩn nhưng nhiệm vụ thì thường rất qua loa theo kiểu “bằng lòng” quan trọng hơn bằng cấp và chuyên môn trách nhiệm. Thế nên mới có vụ những giải trước có những mặt cỏ như mặt ruộng và lầy lội, thế mà bóng vẫn lăn trong sự vui vẻ đầy cảm thông và dĩ hòa vi quý giữa giám sát với ban tổ chức sân. Cũng có cái sân tận dụng một góc để chăn nuôi, trồng rau thế mà vẫn qua nhiều cửa để rồi đến lúc bị báo chí phanh phui thì lại che, lại đậy, lại khắc phục.

Mới đây ở vòng 2 V-League xảy ra sự cố sân Lạch Tray cho chiếu cả trận đấu và các pha bóng nhạy cảm lên màn hình led to ở một góc khán đài. Sự cố hy hữu xảy ra ở pha ghi bàn của Triệu Việt Hưng (Hải Phòng) và đội Nam Định khiếu nại rồi cả sân (khán giả, tổ trọng tài, hai đội) cùng hướng lên màn hình tranh thủ xem pha chiếu chậm và trọng tài thay đổi quyết định. Hình ảnh thật hài hước, không chỉ ở bóng đá VN mà cả bóng đá thế giới, khi bị giễu là cùng xem VAR kiểu VN.

Sau sự cố bi hài ấy thì ban tổ chức giải vội đưa ra khuyến cáo với ban tổ chức sân Lạch Tray kèm theo những biện pháp chế tài nếu còn tái diễn.

Có thể xem đó là lỗi ban tổ chức sân Lạch Tray không biết luật và “câu” luôn đường truyền trực tiếp của nhà đài vào màn hình led chính trên sân, thế nhưng ông giám sát là cánh tay nối dài của ban tổ chức giải ở đâu trong suốt 90 phút?

Hoàn toàn có thể đặt ra hai vấn đề, hoặc ông giám sát không biết luật, không biết quy định, hoặc ông biết nhưng không dám hay không đủ quyền để nắn ban tổ chức sân Lạch Tray đi đúng với các quy định.

Chả trách giới bóng đá vẫn hay kháo nhau việc “đậu” suất giám sát là việc thân, thế và êkíp khi mà nhiều người tài và yêu nghề vẫn rớt từ vòng gửi xe.

Hy vọng là sau việc khiển trách ban tổ chức sân Lạch Tray, những nhà làm giải biết xem lại công tác tổ chức, trong đó nghiêm túc hơn với những cánh tay nối dài, thay vì để nhiều người suy nghĩ có suất là có tất cả.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm