Bí thư Nhân: 'Ách tắc giao thông làm ách tắc lòng dân’

Sáng 18-8, tại Hội trường Thành ủy, hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị lần này là bàn cơ chế, chính sách đặc thù của TP.HCM để TP phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước.

Mức chi ngân sách quá thấp

Lấy các số liệu minh chứng cho việc cần phải có cơ chế, đặc thù cho TP.HCM phát triển, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước với mật độ dân số lớn gấp 15-20 lần bình quân cả nước và không ngừng tăng lên. Các nhu cầu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ điện, nước... của người dân trên toàn TP và trên từng km2 gấp hàng chục lần bình quân cả nước. Chi phí để đáp ứng các nhu cầu giao thông, dịch vụ xã hội là cực kỳ lớn. Do đó TP.HCM cần có sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội, cũng như bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả cao.

TP.HCM cũng là địa phương có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất cả nước (khoảng 80% tổng thu từ địa bàn) song có mức chi ngân sách quá thấp, do đó không đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Tỉ trọng đóng góp của TP.HCM trong nền kinh tế cả nước ngày càng tăng, từ 16,7% năm 1999 lên 21,6% năm 2016.

“Dân số chiếm 9,1% dân số cả nước, thu ngân sách đóng góp 27,8% tổng thu ngân sách cả nước nhưng chi ngân sách chỉ bằng 4,8% tổng chi ngân sách cả nước (cho các địa phương - PV). Như thế rõ ràng không phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu, đầu tư cho phát triển tương xứng với đóng góp và quy mô dân số của TP.HCM trong hiện tại” - ông Nhân nói. Ông cũng cho rằng điều này còn làm cho các ách tắc của TP như ùn tắc giao thông, ngập nước ngày càng khó giải quyết.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Hơn 200 năm nữa mới đạt chuẩn giao thông?

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, để kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững hơn và đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước, bên cạnh việc đầu tư vốn, công nghệ và nhân lực cho ngành dịch vụ và công nghiệp thì hệ thống hạ tầng cũng phải được phát triển để làm tiền đề cho tăng trưởng chứ không phải là điểm nghẽn cản trở tăng trưởng.

Phân tích cụ thể trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thách thức rất lớn của TP.HCM là đang thiếu đường giao thông. Theo ông, 1 km2 đất đô thị phải có 10 km đường nhưng hiện nay TP.HCM chỉ có 1,98 km đường/km2, tức là chưa được 20% so với tiêu chuẩn. Mặc dù trong sáu năm qua mật độ đường của TP đã tăng từ 1,45 km/km2 lên 1,98 km/km2 nhưng khó đáp ứng với yêu cầu đặt ra…

“Với tốc độ tăng như thế này phải cần 167-230 năm nữa TP.HCM mới đạt chuẩn giao thông đô thị” - ông Nhân đưa ra nhận định. “Chắc không thể chờ dài như thế được. Muốn đạt chuẩn trong 25 năm tới, tốc độ xây đường phải gấp bảy lần thời gian qua” - ông Nhân nói. Ông cũng cho rằng nếu chúng ta huy động vốn, quy hoạch như thời gian qua thì ùn tắc giao thông còn kéo dài hàng chục năm nữa.

Theo ông Nhân, yêu cầu trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị dành riêng cho TP.HCM là phải tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch. “Chúng ta phải bàn xem đã làm được đến đâu và làm gì thời gian tới. Giao thông phải trở thành đột phá trong tất cả đột phá. Giao thông mà không xong thì người đi không được, hàng đi không được và vốn sẽ không vào TP, từ đó lòng dân ách tắc. Ách tắc giao thông kéo dài là ách tắc toàn diện, ách tắc về kinh tế, ách tắc dây chuyền, ách tắc lòng dân. Cho nên phải tìm cơ chế để chúng ta giải quyết vấn đề này chứ không ai làm hộ được mình” - ông Nhân yêu cầu trước hội nghị.

TP.HCM mượn tiền làm, trung ương trả sau?

Chính vì những lý do đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đưa ra bốn kiến nghị với trung ương để bàn tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh đến kiến nghị TP.HCM được tự chủ về tài chính. “TP.HCM đóng góp lớn nhất cả nước mà không tự chủ tài chính thì ai tự chủ được nữa. Tất nhiên, phải có điều kiện, đó là dân số chiếm 9% cả nước thì TP xin dành lại phần ngân sách của 9% trong số đóng góp ngân sách 27%. Xin một nguyên tắc đấy thôi, đóng góp ba lần nhưng nhận về một lần. Thời kỳ năm 2005 gần đúng với nguyên tắc này nhưng càng về sau càng đi xa” - ông Nhân nói.

Đối với những dự án trung ương làm trên địa bàn TP mà trung ương cam kết chi tiền nhưng trung ương không có tiền thì làm thế nào? Câu hỏi này được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giải đáp: “Ở đây chúng ta có dự án Vành đai 3 thuộc Bộ GTVT quản lý nhưng đã không có tiền rồi, đến năm 2020 chắc cũng không có tiền nữa, trong khi giao thông là vấn đề ách tắc nhất của TP. Phải làm gì bây giờ, trung ương hứa cam kết chi tiền, đề nghị giữ lời hứa nhưng nếu chưa đưa bây giờ thì TP đi mượn làm, trung ương trả lại sau”.

Đối với các đề án, dự án, chương trình của TP theo quy định của pháp luật hiện hành phải trình các bộ, ngành, Chính phủ phê duyệt cần xác định rõ thời hạn phải trả lời, cho ý kiến (từ hai tháng đến không quá bốn tháng). “Quá thời hạn trên, nếu các bộ, ngành, Chính phủ không trả lời thì xem như đã đồng ý với đề nghị của TP và TP được thực hiện như đã trình. Chứ không thì lâu quá, vì có những việc xin cả năm không trả lời” - ông Nhân kiến nghị.

Ngoài ra, TP.HCM cũng kiến nghị được tự chủ về công chức và biên chế, tức là dân số tăng thì cho phép TP được tăng số lượng biên chế công chức, tự chủ trong giới hạn.

Theo chương trình, hội nghị sẽ bế mạc sáng nay (19-8).

Ba năm và 100 năm

Cường độ hoạt động kinh tế (GDP/diện tích) của TP.HCM từ chỗ gấp 26,4 lần cả nước năm 1996 (21,7 tỉ đồng/km2 so với 800 triệu đồng/km2) đã tăng lên gấp 34 lần năm 2016 (463 tỉ đồng/km2 so với 13,6 tỉ đồng/km2). Tức là GDP được tạo ra trên 1 km2 của TP.HCM trong ba năm thì bằng GDP/km2 bình quân cả nước được tạo ra trong 100 năm.

Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm