Bị YouTube cắt kênh kiếm tiền khủng, Yeah 1 sẽ ra sao?

Ảnh hưởng nặng

Không đơn thuần như Tập đoàn Yeah 1 cho rằng hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense chỉ chiếm 13% tổng lợi nhuận của công ty, mà toàn bộ hệ sinh thái của Yeah 1 sẽ ảnh hưởng theo.

Đặc biệt điều dễ thấy nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khoản đầu tư lớn của Yeah 1 gần đây vào ScaleLab LLC, chưa kịp khai thác để thu hồi vốn.

Năm 2015, Yeah 1 được cấp giấy phép mạng đa kênh của YouTube (MCN) và là 1 trong số khoảng 250 MCN trên toàn thế giới tính đến thời điểm 2018. Đến năm 2017, Yeah 1 thành lập Yeah 1 Network để quản lý MCN.

Theo Yeah 1, dù mới chính thức hoạt động hơn 3 năm, hệ thống YouTube của công ty đã liên tục phát triển mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 2 con số hằng năm.

Các kênh trong hệ thống YouTube của Yeah 1 thu hút không chỉ khán giả ở Việt Nam mà còn từ hơn 150 quốc gia khác, điển hình là Mỹ, Đức, Canada, Úc và Nhật Bản.

Lượt xem từ thị trường Việt Nam chiếm đa số nhưng doanh thu và lợi nhuận đem lại nhiều nhất lại đến từ thị trường Mỹ.

Điều này không có gì khó hiểu việc Yeah1 vào đầu năm 2019 đã thực hiện thương vụ đầu tư vào ScaleLab, một công ty của Mỹ chuyên về tối ưu hóa nội dung và tối đa hóa người xem trên YouTube.

Yeah 1 có 2 cách kiếm tiền từ YouTube. Thứ nhất, với vai trò MCN, phần lớn doanh thu của Yeah 1 được nhận từ YouTube. Các nhãn hàng hay nhà quảng cáo sẽ trực tiếp trả tiền cho YouTube để phân phối các quảng cáo của họ tới người xem.

YouTube giữ 45% doanh thu quảng cáo và trả 55% còn lại cho Yeah 1. Công ty sẽ giữ khoảng 5-30% trên phần doanh thu nhận được từ YouTube và thanh toán 70-95% còn lại cho các nhà sản xuất nội dung/đối tác kênh YouTube của mình (YouTuber).

Thứ 2 là Yeah 1 có nguồn thu trực tiếp từ bán hàng trực tiếp, nơi các thương hiệu và nhà quảng cáo xuất hiện trong nội dung video của hệ thống Yeah1 Network.

Các sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu sẽ được quảng cáo ngay trên nội dung do Yeah 1 sản xuất. Doanh thu ở hoạt động này được trả trực tiếp từ các nhãn hàng/nhà quảng cáo dựa trên hợp đồng đã ký trước và không phải phân chia doanh thu với YouTube.

Yeah1 cũng cho biết, năm 2018, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỉ đồng (tương đương 13,3 triệu USD). Trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba.

Biên lợi nhuận từ các kênh tự sở hữu (trên 50%) cao hơn đáng kể so với các kênh của bên thứ ba (khoảng 8%). Do đó, từ đây Yeah 1 cho rằng YouTube Adsense chỉ chiếm 13% tổng lợi nhuận của công ty.

Tắt tính năng kiếm tiền

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc YouTube tắt tính năng kiếm tiền YouTube Adsense của Yeah 1 là do công ty này không kiểm soát được nội dung “bẩn” trên mạng.

Hay nói cách khác, Yeah 1 dựa vào MCN mà YouTube cấp phép để đóng vai trò thay YouTube quản lý nội dung trên mạng, nhưng vì lợi nhuận đã dung túng các kênh nội dung nhảm nhí, độc hại để thu hút lượt view.

Dù cho Yeah 1 vẫn giữ lại được các kênh YouTube tự sở hữu nhưng mảng kinh doanh này không dễ ăn vì phải tự sản xuất các nội dung chạy theo xu hướng, với mức độ cạnh tranh rất cao.

Chính bản thân Yeah 1 cũng nhìn nhận, Yeah1 gặp phải nhiều đối thủ cạnh tranh trên nhiều mặt, không chỉ trong nước mà còn trên quốc tế.

Trên phương tiệnYouTube, đối thủ lớn nhất củaYeah1 là POPSWorldwide từ Việt NamGMM Grammy từ Thái Lan, Freedom! từ Phillipines, và IDYT Network từ Indonesia.

Còn trên phương tiện kênh truyền hình giải trí, Yeah1 phải cạnh tranh với các kênh truyền hình nhà nước như VTV hay HTV vốn có thị phần lớn cùng nguồn vốn dồi dào.

Ngoài ra, công ty con Netlink, tuy là Đối tác Xuất bản duy nhất của Google tại thị trường Đông Nam Á, nhưng bù lại phải cạnh tranh với 37 Đối tác xuất bản khác trên toàn cầu như Acceleration eMarketing, Acqua Media,…

Bên cạnh đó, công ty cũng liên tục chịu áp lực từ các công ty nhỏ hơn, do tính đặc thù của ngành này đòi hỏi quy trình sáng tạo không ngừng nên sức ép cạnh tranh cũng vô cùng lớn. 

Và chính Yeah 1 cũng thấy được rủi ro là việc công ty là đối tác của 2 nền tảng kỹ thuật số phổ biến nhất hiện nay là Facebook và Google hỗ trợ rất lớn cho Yeah 1 phát triển nhanh chóng ra các thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào 2 nền tảng này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của công ty khi chính sách của các công ty lớn trên có sự thay đổi trọng yếu.

Các kênh trong hệ thống YouTube của Yeah 1 thu hút không chỉ khán giả ở Việt Nam mà còn từ nhiều quốc gia khác.

Tập đoàn Yeah1 (YEG) mới đây đã lên tiếng về thông tin YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/03/2019 đối với các công ty con/công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của Yeah1 bao gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16.93%) đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với tất cả các công ty khác liên quan tới YouTube Adsense trực thuộc Tập đoàn.

Yeah1 cho biết, trong năm 2018, mảng kinh doanh YouTube AdSense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho Tập đoàn Yeah1, tương ứng khoảng 13% lợi nhuận sau thuế của cả tập đoàn. Các hoạt động kinh doanh khác của Tập đoàn Yeah1 vẫn phát triển theo kế hoạch.

"Tập đoàn Yeah1 luôn có chiến lược và định hướng tuân thủ với luật pháp và chính sách của các đối tác. Vì vậy, Ban quản lý cấp cao của Tập đoàn Yeah1 đang tích cực làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao của YouTube để hiểu rõ sự việc nêu trên và để đạt được kết quả tích cực về việc tiếp tục các thỏa thuận với YouTube sau ngày 31/03/2019" -  Yeah1 cho biết.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm