Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong những năm qua diện tích tiêu tăng quá nhanh không thể kiểm soát được, đang đặt ra những vấn đề lớn nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.
Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu...
“Do vậy, từ nay cây tiêu không nên đi theo con đường chạy theo số lượng nữa mà phải là chất lượng” - ông Cường nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các doanh nghiệp hồ tiêu quốc tế tại hội nghị ngày 4-12.
Theo Bộ trưởng, cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trước tiên, diện tích hồ tiêu không được tăng thêm mà phải kiên quyết kéo giảm xuống. Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Bộ phải tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.
“Hạt tiêu không chỉ làm gia vị mà còn có thể làm nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm nước hoa, các thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… Vì vậy doanh nghiệp cần đầu tư các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu để tăng đầu ra, chất lượng, thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam” - Bộ trường chia sẻ.
Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ NN&PTNT mục tiêu đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000 ha, như vậy diện tích trồng tiêu hiện nay “vỡ quy hoạch” đã gấp ba lần so với quy hoạch ban đầu. Dự kiến, năm 2018, sản lượng tiêu đạt 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (175.000 tấn năm 2016).
Nhiều khách hàng quốc tế đến dự hội nghị muốn hợp tác với DN hồ tiêu Việt Nam.
Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex Group, cho biết cung vượt cầu vẫn là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu không hồi phục. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng vẫn còn may mắn cho hạt tiêu Việt Nam vì giá tiêu hiện nay gần 60.000 đồng/kg vẫn trên giá thành. Có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy, chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải đi.
Hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhảy vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu. Ông Nam đánh giá điều này chứng tỏ ngành hồ tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn coi là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu nên họ đầu tư.
“Vì vậy, những hội nghị quốc tế như vậy cần tổ chức tại Việt Nam nhiều hơn, đều thu hút khách hàng quốc tế. Doanh nghiệp hồ tiêu Việt cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để tăng đầu ra cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho hồ tiêu” - ông Nam nói.
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu tiêu 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 207.000 tấn và 678 triệu USD, tăng 8% về khối lượng nhưng giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá tiêu xuất khẩu bình quân chín tháng đầu năm 2018 đạt 3.290 USD/tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2018 là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và Đức với 36% thị phần. |