Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM hiện đang quản lý địa bàn chạy dọc theo hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp với chiều dài hơn 30 km. Hàng ngày có hàng trăm phương tiện lưu thông, ra vào cảng làm hàng và có hàng ngàn công nhân viên lên xuống tàu làm việc. Do vậy, đây cũng là một trong những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nếu không được kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng.
Thượng tá Phạm Anh Thắng, Chỉ huy trưởng biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM, đã có cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM phối hợp với Trung tâm Kiểm soát y tế quốc tế đo thân nhiệt qua lại cửa khẩu cảng. Ảnh: BP
Nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ
. Phóng viên: Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM đã triển khai lực lượng kiểm tra kiểm soát các phương tiện tàu thuyền, thuyền viên vào ra các cảng như thế nào từ khi dịch COVID-19 bùng phát?
+ Thượng tá Phạm Anh Thắng: Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt hưởng ứng tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, ngay những ngày đầu đơn vị đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn cơ quan, đơn vị và nhất là cán bộ chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các trạm kiểm soát nổi trên sông.
Trong đó tập trung nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về tính chất nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch, không được chủ quan và bằng nhiều biện pháp quyết tâm không để dịch COVID-19 lây lan qua cửa khẩu cảng.
. Với địa bàn sông, rạch rộng lớn như vậy, lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM đã triển khai công tác phòng, chống dịch như thế nào?
+ Đơn vị đã ban hành kế hoạch, triển khai lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền tại 21 cổng cảng, 13 trạm kiểm soát nổi trên sông. Trong đó tập trung vào thủy thủ, thuyền viên nước ngoài và khách du lịch nhập cảnh từ vùng dịch.
Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM kiểm soát và tuyên truyền tại 21 cổng cảng, 13 trạm kiểm soát nổi trên sông. Ảnh: BP
Lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM cũng triển khai nghiêm túc quy trình kiểm soát, dừng nhập cảnh, cập nhật số liệu người đến từ vùng dịch để có biện pháp sàng lọc. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, nhất là Trung tâm Kiểm soát y tế quốc tế để triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách trên 2 m khi giao tiếp… với mọi đối tượng ra, vào cửa khẩu cảng.
Ngoài ra, lãnh đạo biên phòng cửa khẩu cảng cũng chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ phòng dịch tại đơn vị và trạm kiểm soát, như: Thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng, bố trí kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu mang khẩu trang sát khuẩn tại cổng cơ quan biên phòng cảng và tám trạm biên phòng cửa khẩu… Nhờ vậy mà đến nay chưa phát hiện trường hợp nhập cảnh qua cửa khẩu cảng có triệu chứng nhiễm COVID-19.
Siết chặt công tác tuần tra, kiểm soát tại các cửa khẩu cảng. Ảnh: BP
Kiên trì thuyết phục, chia sẻ với các thuyền viên tàu
. Lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19?
+ Do địa bàn biên phòng cửa khẩu cảng quản lý rộng lại có nhiều kênh, rạch, nhiều mục tiêu, quân số phân tán, lưu lượng phương tiện lưu thông nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền. Các cán bộ, chiến sĩ luôn phải làm việc với cường độ cao 24/24.
Có một số thuyền viên, du khách nước ngoài chưa nhận thức đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19 nên còn chủ quan. Có trường hợp phản ứng lại cán bộ, chiến sĩ trong lúc tuần tra, kiểm soát gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị, vật tư y tế để bảo hộ, bảo đảm an toàn các cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, trong đó có người đến từ vùng dịch còn rất hạn chế.
.Vậy biên phòng cửa khẩu cảng đã ứng xử, thuyết phục ra sao để mọi người hiểu về sự nguy hiểm của dịch COVID-19 và tuân thủ, thưa thượng tá?
+ Khi tàu cập cảng, đa số thuyền viên đều có nhu cầu về thăm gia đình, người thân, mua sắm đồ dùng cá nhân..., đây là nhu cầu chính đáng và chúng tôi rất chia sẻ. Tuy nhiên, với chỉ đạo của cấp là trên không giải quyết cho thuyền viên rời tàu trong thời điểm này nên lực lượng làm nhiệm vụ tại các mục tiêu đôi lúc cũng gặp khó khăn.
Chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phải có sự đồng cảm, chia sẻ, kiên trì giải thích, thuyết phục, tuyên truyền để các thuyền viên, du khách… hiểu việc phải cách ly tại tàu và hợp tác nhằm ngăn chặn nguy cơ phát tán dịch bệnh ra cộng đồng.
Hằng ngày có hàng trăm phương tiện lưu thông, ra vào cảng làm hàng và có hàng ngàn công nhân viên lên xuống tàu làm việc. Ảnh: BP
. Quyết tâm của lực lượng tới đây, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn nguy cơ diễn biến phức tạp?
+ Đơn vị tiếp tục nắm chắc tình hình dịch, quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, sự chỉ đạo của cấp trên, phối hợp với các lực lượng quản lý chặt chẽ người ra, vào cũng như các phương tiện lưu thông qua cửa khẩu cảng nhằm phòng ngừa, không để nguồn dịch xâm nhập.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đảm bảo trực 100% quân số và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch khi có lệnh.
. Xin cảm ơn Thượng tá!
Kiểm soát hàng ngàn thuyền viên nước ngoài Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM đang phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước làm thủ tục và kiểm soát tại cửa khẩu cảng 405 tàu (các tàu này chủ yếu mang quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Nhật, Đức nhập cảnh vào cảng) với hơn 8.000 thuyền viên. Ngoài ra, có chín hành khách được kiểm dịch y tế quốc tế dùng xe chuyên dụng đưa ra sân bay để hồi hương. Thượng tá Phạm Anh Thắng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM |