Ngày 30-10, chúng tôi trở lại biệt phủ xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) của ông Ngô Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH khai thác vàng Phước Minh, Quảng Nam.
Biệt phủ trái phép của đại gia vàng Ngô Văn Quang nằm dưới chân núi Hải Vân. Ảnh: TẤN VIỆT
Quan sát bằng mắt thường từ bên ngoài, khối biệt phủ đồ sộ này như vẫn y nguyên. Hàng dài tường rào, cổng ngõ kiên cố ẩn sâu trong khu rừng dưới chân núi Hải Vân từng chứa đựng trong đó khối tài sản ước tính 100 tỉ đồng, chủ yếu là gỗ quý.
Ngay cổng chính, người làm của ông Quang kiên quyết không cho người ngoài bước vào với lý do chủ biệt phủ không cho phép.
Tường rào kiên cố bao quanh biệt phủ vẫn nguyên vẹn. Ảnh: TẤN VIỆT
Tuy vậy, quan sát từ bên ngoài, vẫn còn nhà gỗ, nhà gạch xây kiên cố bên trong biệt phủ. Cạnh đó là mặt bằng trống từ những hạng mục khác đã được tháo dỡ. Ngoài ra, từ cổng chính nhìn vào, các hạng mục trang trí, chòi gỗ đựng tượng vẫn còn nguyên.
Chòi gỗ đựng tượng bên trong cổng chính của biệt phủ. Ảnh: TẤN VIỆT
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đây, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu cho hay từ sau khi ông Quang tự thuê đội tháo dỡ một số hạng mục trong biệt phủ đến nay, những hạng mục khác vẫn chờ đến khi ông Quang tìm được mặt bằng xây dựng mới.
Trong một báo cáo mới đây của UBND quận Liên Chiểu dẫn nội dung đơn xin gia hạn tháo dỡ của gia đình ông Quang có nêu: “Do công trình có quy mô quá lớn và có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là tám khu nhà rường, nhà lục giác có kiến trúc cổ. Toàn bộ các hạng mục tháo dỡ đều có cấu trúc tinh xảo, kết cấu chắc chắn với hàng chục cột gỗ vừa cao vừa lớn.
Các nhà trên còn được chạm trổ liên kết để hình thành nên các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật ngay trên bức tường gỗ nên cần thợ có tay nghề cao để tháo dỡ; cần phải huy động đến lực lượng xe cơ giới, bỏ nhiều công sức và thời gian..”.
Một nhà rường gỗ bát giác nằm tại vị trí này đã được tháo dỡ. Ảnh: TẤN VIỆT
Lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu cũng cho rằng trong quá trình tháo dỡ, do khối lượng đồ đạc quá lớn, nhiều tài sản có giá trị, do đó ông Quang xin tạm được sử dụng hai ngôi nhà để chất và bảo quản tài sản trong khi chờ di chuyển.
Một nhà rường gỗ, mái lợp ngói cũng được xin giữ lại tạm thời để bàn thờ gia tiên của gia đình. Một nhà làm chỗ sinh hoạt cho gia đình và nhân công.
“Ông Quang có cam kết sẽ tháo dỡ sau cùng khi chuyển toàn bộ tài sản đến địa điểm mới” - báo cáo nêu.
Một khối nhà gạch xây kiên cố còn nguyên trong biệt phủ. Ảnh: TẤN VIỆT
PV đặt câu hỏi, theo luật thì khi cho phép chủ nhà tự tháo dỡ cũng phải có thời hạn nhất định do chính quyền đặt ra, quá thời hạn thì phải cưỡng chế chứ không thể kéo dài mãi như như vậy. Ông Đây thừa nhận điều này đúng nhưng cho rằng quận cũng xem xét để cho ông Quang có thời gian tìm mặt bằng mới. “Mười mấy công trình mà tháo dỡ hết rồi, còn một, hai công trình không ảnh hưởng gì thì cũng được” - ông Đây nói.
Theo một người phụ nữ làm công tác quét dọn vệ sinh bên trong biệt phủ, đã nhiều tháng nay ông Quang không đến thăm công trình của mình. Khi chúng tôi liên lạc, điện thoại của ông Quang đổ chuông nhưng không có ai nghe máy.
Ngày 4-2-2015, UBND quận Liên Chiểu xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Văn Quang về hành vi xây dựng công trình trái phép trên đất rừng rộng đến 1.411 m2. Ngày 8-12-2015, UBND quận Liên Chiểu ban hành quyết định cưỡng chế công trình, thời hạn hoàn thành cưỡng chế trước ngày 31-1-2016. Ngày 12-12-2015, ông Quang tự huy động nhân lực tháo dỡ biệt phủ của mình. Ngày 16-12-2015 và ngày 20-1-2016, gia đình ông Quang có đơn trình bày các nguyên nhân có thể ảnh hưởng tiến độ tháo dỡ công trình, xin gia hạn thời gian tháo dỡ. Ngày 28-1-2016, UBND quận Liên Chiểu lập biên bản công nhận sự tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm của ông Quang. Đồng thời tiếp tục giám sát, đôn đốc ông Quang hoàn thành việc tháo dỡ. |