Ngày 12-7, tại Trung tâm triển lãm Quốc tế WTC Expo Bình Dương diễn ra hội thảo “Thúc đẩy phát triển thương mại Quốc tế và Công nghiệp văn hóa Bình Dương”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ "Festival Quảng cáo Việt Nam 2024" do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Công ty Cổ phần Quảng cáo và Xúc tiến thương mại Đông Nam, Công ty TNHH Một thành viên WTC Bình Dương tổ chức.
Tại hội thảo, doanh nghiệp chia sẻ thúc đẩy phát triển thị trường ngành triển lãm, công nghiệp văn hóa tại Bình Dương, kinh nghiệm tiếp cận thị trường thương mại quốc tế công nghiệp...
Ban tổ chức cho biết, Bình Dương đang có 38 khu công nghiệp được đầu tư bài bản, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
Tỉnh hiện có hơn 4.300 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,6 tỉ USD. Qua đó, đứng thứ ba về thu hút vốn FDI, sau TP. HCM, Hà Nội.
Đối với công nghiệp văn hóa, Bình Dương đã có cơ hội hợp tác với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, ...vào tuần lễ sáng tạo nhân vật và nội dung trong năm 2023.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ngoài phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, với ngành công nghiệp văn hóa, tỉnh Bình Dương tiếp tục thúc đẩy phát triển những nhóm ngành mới như phần mềm, trò chơi giải trí, thiết kế…
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, đại diện Tổng công ty Becamex IDC, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội quảng cáo Việt Nam cho biết, "30 năm qua đơn vị đã làm việc chặt chẽ trên mô hình “ba nhà” qua chiến lược thành phố thông minh Bình Dương.
Kết nối với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, thúc đẩy toàn diện các phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Thời gian tới, tiếp tục cùng tỉnh Bình Dương thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Song song với phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn liền với đặc thù địa phương.
Qua đó, góp phần đưa Bình Dương trở thành trung tâm khoa học công nghệ và điểm đến của công nghiệp văn hóa tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam”.
3 thành phố Việt Nam gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, giai đoạn năm 2018- 2022, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỉ đồng.
Năm 2022 có 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, Việt Nam có ba thành phố gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của Unesco là Hà Nội thành phố thiết kế sáng tạo, Hội An thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian, Đà Lạt thành phố sáng tạo âm nhạc.
Đây là căn cứ vững để Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa, thu hút và hội tụ sự sáng tạo khu vực Đông Nam Á.