Bình Thuận: Tâm lý chủ quan, nhiều ổ dịch xuất hiện tại cộng đồng

Ngày 29-10, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký công văn gửi các đơn vị, địa phương liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới trong cộng đồng, các khu phong tỏa, khu cách ly tập trung liên tục gia tăng. Các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai chỉ mới đáp ứng được một phần so với yêu cầu thực tế.

Một chốt kiểm soát vùng đỏ tại TP Phan Thiết

Do đó, UBND tỉnh sẽ xem xét để điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế, mục tiêu là phải kiểm soát cơ bản được dịch bệnh, không để số ca mắc mới gia tăng nhanh, lây lan trên diện rộng.

UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số cơ quan, đơn vị, địa phương và một bộ phận người dân chủ quan, lơ là phòng, chống dịch. Đây chính là nguyên nhân làm phát sinh nhiều ca F0, các ổ dịch mới trong cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương căn cứ Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định ngày 18-10-2021 của UBND tỉnh chủ động xây dựng, điều chỉnh phương án phòng, chống dịch. Rà soát, tính toán cụ thể các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở thu dung, điều trị; mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, tổ lấy mẫu xét nghiệm, trạm y tế lưu động, nhân lực phòng, chống dịch.

Về quản lý người về từ vùng dịch: Hàng ngày báo cáo số lượng người từ các tỉnh, thành khác về tỉnh (được cách ly tập trung, cách ly tại nhà, theo dõi y tế) gửi Sở Y tế trước 14 giờ để tổng hợp vào báo cáo ngày. Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm toàn bộ người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19. Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tổ giám sát COVID-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế.

Về quản lý đi lại của người dân trong tỉnh: Vùng đỏ phong tỏa hẹp khu vực có ca mắc, cần thiết thì phong tỏa tạm thời quy mô rộng hơn để xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Tổ chức các chốt kiểm soát, giám sát chặt chẽ người/phương tiện ra vào vùng đỏ theo quy định. Người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải được lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc.

Ở vùng cam, ngoài phong tỏa khu vực có ca mắc, những người có nguy cơ cao phải được giám sát chặt chẽ và làm xét nghiệm. Người từ vùng cam đến các vùng khác bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, khai báo y tế theo quy định.

Thiết lập quét mã QR tại các cơ quan, công sở, cơ sở kinh doanh dịch vụ đông người, nơi công cộng… Tăng cường thông tin về xử lý vi phạm với các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine được phân bổ. 

Cạnh đó, kiểm tra việc nhập khẩu, mua bán, sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định COVID-19. Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo dõi để ngay khi Trung ương ban hành “Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 trong tình hình mới” thì tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

Tính đến trưa 29-10, tỉnh Bình Thuận có tổng số 5.067 ca mắc COVID-19 (La Gi 1.984, Phan Thiết 1.784, Hàm Thuận Bắc 386, Hàm Thuận Nam 266, Tuy Phong 245, Tánh Linh 153, Đức Linh 138, Hàm Tân 69, Bắc Bình 42).

Trong đó, 849 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 4.163 ca đã điều trị khỏi và xuất viện (La Gi 1.948, Phan Thiết 1.465) và đã có 65 ca tử vong (10 ca tử vong tại TP.HCM).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm