Bít lỗ hổng pháp luật về chống xâm hại tình dục

Sáng 19-4, Ủy ban Tư pháp (UBTP) tổ chức phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của UBTP về việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

Tại phiên họp này, nhóm nghiên cứu của UBTP đã chỉ rõ những khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung qua một số vụ việc nổi cộm, bức xúc thời gian gần đây.

“Hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ người bị xâm hại”

Hạn chế, bất cập đầu tiên được chỉ tên là việc thiếu các văn bản hướng dẫn một số quy định trong các luật để đảm bảo việc áp dụng, xử lý thống nhất, chính xác.

Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng, Bộ luật Lao động 2012 quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là hành vi quấy rối tình dục và các biểu hiện cụ thể của hành vi này. Chưa kể, cả Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn cũng chưa quy định chế tài, xử lý đối với hành vi trên.

Cũng theo bà Thủy, giữa tháng 4-2017, UBTP đã kiến nghị TAND Tối cao ban hành hướng dẫn, xác định các dấu hiệu của tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại Điều 146 BLHS 2015. Đến nay, TAND Tối cao cũng chưa ban hành được văn bản hướng dẫn này.

Nhóm nghiên cứu của UBTP cũng chỉ rõ đang có khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xử phạt chưa nghiêm.

Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng cho rằng thế nào là hành vi dâm ô và quan hệ tình dục khác còn nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chưa có hướng dẫn chính thức. “Hiểu mà rộng quá thì chưa đạt mục đích của BLHS; hiểu hẹp thì chưa đạt yêu cầu đấu tranh, đảm bảo công bằng xã hội” - ông Dũng nói. Theo ông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hoặc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải giải thích hoặc có án lệ nếu không rất khó thực hiện.

“Việc áp dụng pháp luật rõ ràng có vấn đề. Cả xã hội bức xúc như thế, mỗi một người tiến hành tố tụng hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ người bị xâm hại thì chúng ta nghĩ gì?” - cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH Nguyễn Đình Quyền nói.

Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại buổi họp. Ảnh: ĐỨC MINH

Phải hướng dẫn hoặc có án lệ về tội dâm ô

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sĩ Cương nhận xét việc xử lý các vụ việc gần đây là vừa chậm vừa chưa thuyết phục. Ông dẫn chứng sự bất cập của pháp luật, khi người dân đi đổi 100 USD tại cơ sở không được cấp phép thì bị thu 100 USD và phạt 90 triệu đồng, thế nhưng với hành vi ép hôn trong thang máy lại chỉ phạt 200.000 đồng.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị nếu cần thiết thì phải nghiên cứu sửa quy định của BLHS 2015 cho rõ hơn, dù luật vừa được ban hành. Ông dẫn chứng ở Mỹ, những chuyện đụng đến trẻ em, kể cả cấu, véo là bị xử lý ngay. Hay Nhật Bản quy định: Hành vi sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 13 tuổi trở xuống bị coi là hành vi dâm ô đối với trẻ em với mức hình phạt từ sáu tháng đến 10 năm tù.

“Chúng ta cần phải bổ sung lỗ hổng về luật pháp” - ông Vương nhấn mạnh và cho rằng tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi phải được làm rõ. “Hành vi ôm ấp, hôn hít có phải dâm ô không? Rồi chuyện quấy rối tình dục xử lý thế nào? Ngoài ra còn phát sinh vấn đề quan hệ đồng tính...” - ông Vương nói và kiến nghị phải sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, bởi trong nhiều lĩnh vực mức chế tài chưa đủ để răn đe.

Giải trình sau đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết tòa này đã hoàn thành dự thảo hướng dẫn về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; cố gắng khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ ban hành. “Chúng tôi đang tiến hành để đảm bảo việc hướng dẫn phải chính xác, bảo vệ được trẻ em nhưng cũng có giá trị lâu dài. Chúng ta không thể chạy theo dư luận, để hướng dẫn chỉ tồn tại, đáp ứng được một thời gian nhất định” - ông Tuệ nói.

Đề nghị sửa đổi các tội xâm hại tình dục

Trong báo cáo gửi UBTP do Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ ký, TAND Tối cao đề nghị sửa đổi quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong BLHS và BLTTHS. Cụ thể, điều chỉnh quy định về tội dâm ô đối với trẻ em theo hướng cụ thể hơn để các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả; tránh tình trạng các cơ quan liên quan chậm trễ, lúng túng, áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội gây ra, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

TAND Tối cao cũng kiến nghị quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh xâm hại tình dục trẻ em trong trường hợp nạn nhân là trẻ em nam, người phạm tội là người đồng tính. Ngoài ra, cần quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người thực hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm