Bạn đọc Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM)
Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Về vấn đề đóng phạt, theo khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp khác do luật định.
Nếu quá thời hạn nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Như vậy, nếu anh vi phạm giao thông bị ra quyết định xử phạt hành chính thì anh phải có nghĩa vụ đóng phạt trong thời gian và địa điểm được ghi trong quyết định xử phạt hành chính. Nếu ngoài thời gian trên sẽ bị nộp thêm tiền chậm nộp.
Thứ hai, về vấn đề cấp lại bằng lái xe bị tạm giữ, căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 36 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định:
Người có giấy phép lái xe (GPLX) bị mất, còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới ba tháng được xét cấp lại GPLX.
Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại GPLX tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở GTVT, người lái xe gửi một bộ hồ sơ, chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.
Sau thời gian hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện GPLX đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch thì được cấp lại GPLX.
Người có GPLX bị mất, quá thời hạn sử dụng từ ba tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau hai tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định thì phải dự sát hạch lại các nội dung cần thiết.
Do đó, trường hợp GPLX của anh đang bị cơ quan có thẩm quyền thu giữ thì dữ liệu này sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra khi anh đăng ký cấp lại hoặc đăng ký mới, kết quả của trường hợp này là anh sẽ không được cấp lại GPLX.