Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế môi trường xăng dầu

Trong báo cáo gửi Chính phủ tại phiên họp trực tuyến ngày 10-4, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu ở mức phù hợp. 

Theo Bộ Công Thương, hiện nay tỉ trọng thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu hiện ở mức cao, khoảng 55%-60% đối với xăng, 35%-40% đối với dầu. Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với xăng và 11%-20% đối với dầu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đề nghị xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học. 

Bộ Công Thương cho biết hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng/lít, việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng A92 như hiện nay là chưa phù hợp. Bởi xăng E5 có 95% là xăng A92 và 5% là ethanol.

Theo kết quả các nghiên cứu đã được thực hiện, việc sử dụng xăng E5 giảm đáng kể khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO (giảm 27,76%), HC (giảm 16,23%)... so với các loại xăng khoáng thông thường. 

Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5 dựa theo mức độ phát thải (75%-80%) mức thuế đối với xăng khoáng.

Theo quy trình, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chủ trì tham mưu với Chính phủ về đề xuất điều chỉnh thuế này. Sau đó, Chính phủ sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. 

Hiện cơ cấu giá xăng dầu gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng. Ngoài ra còn có một số khoản như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn giá.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ 1-1-2019. Trong đó, thuế môi trường với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm