Mới đây Cục CSGT (C08, Bộ Công an) đưa ra đề nghị miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu với các phương tiện cơ giới đường bộ mới xuất xưởng, còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.
Theo Cục CSGT, ô tô nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi bán ra thị trường. Do vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần xem xét để miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu. Mặt khác, nếu miễn kiểm định lần đầu sẽ giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tạo thuận lợi cho người dân.
Việc của Nhà nước, không phải của bên bán hàng
Thoạt nhìn, đề nghị trên của C08 có vẻ nhằm đem lại tiện lợi cho người dân về thời gian, chi phí đi lại. Nhưng xét về mặt quản lý hành chính, quản lý kỹ thuật thì đề xuất trên (nếu thực hiện) có thể mang đến bất lợi, thiệt hại có thể xảy ra với người dân, khách hàng mua bán và sử dụng xe mới.
Một chiếc xe mới được chủ nhân đưa đến trạm đăng kiểm để kiểm định lần đầu trước khi lưu thông. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Trước nhất, bảo hành của nhà sản xuất (bảo hành chính hãng) là dạng quan hệ giao dịch giữa nhà sản xuất, bên bán xe đối với khách hàng mua, sử dụng xe. Nhà nước không thể can thiệp, quy định về thời gian bảo hành với xe mới đưa vào lưu thông (thường là theo 5.000, 10.000 km hoặc tương ứng 6 tháng, 12 tháng) và nó cũng không phải là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước (về hành chính và kỹ thuật) phải…. chạy theo
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, xe ô tô đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (khoản 1,điều 53). Theo đó, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là do Nhà nước quy định (TCVN).
Cạnh đó, việc kiểm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (lần đầu, trước khi cho phép đưa xe vào lưu thông) là do cơ quan quản lý Nhà nước về kỹ thuật (là Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT) thực hiện. Do đó, không thể căn cứ, dựa vào chất lượng hoặc cam kết bảo hành do nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên bán hàng đưa ra làm điều kiện cho phép đưa xe vào lưu thông.
Đăng kiểm khác kiểm tra
Theo lập luận của Cục CSGT, trước khi xuất xưởng và bàn giao tới khách hàng, xe đã trải qua các đợt kiểm tra khá nghiêm ngặt của nhà sản xuất và đạt tiêu chuẩn an toàn. Vì vậy, việc đăng kiểm đối với xe mới là không cần thiết.
Việc kiểm tra xe trước khi xuất xưởng hoặc sau khi nhập khẩu về là hoạt động kỹ thuật của chính nhà sản xuất, nhà nhập khẩu. Nó là một dạng kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông, phân phối. Còn đăng kiểm, kiểm định là hoạt động của cơ quan quản lý kỹ thuật Nhà nước đối với nguồn nguy hiểm cao độ là xe ô tô. Nguồn nguy hiểm cao độ này phải được kiểm tra, kiểm soát và chịu trách nhiệm từ cơ quan quản lý kỹ thuật Nhà nước. Không chỉ là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.
Do đó, tiêu chuẩn của nhà xe, hãng sản xuất (nếu có) phải đáp ứng được các tiêu chuẩn Nhà nước (TCVN) mà cơ quan đăng kiểm là người đại diện thực hiện công tác kiểm định. Đã có không ít trường hợp xe sản xuất ra thỏa mãn các tiêu chuẩn của nhà sản xuất nhưng lại không đáp ứng được các TCVN. Điển hình là vừa qua có một số xe lôi, xe bốn bánh nhập về không đáp ứng được TCVN nhưng do nhu cầu tạm dùng của người dân, thị trường nên phải cấp biển số tạm thí điểm (TĐ).
Kiểm định theo lô khác kiểm định từng chiếc
Lâu nay, xe xuất xưởng, nhập khẩu về được kiểm định theo xác suất trong lô (bốc xe trong lô).
Sau đó xe được vận chuyển về bãi, lưu kho 1 thời gian cho đến khi có khách hàng mua, trước khi đưa vào lưu hành thì phải kiểm định cụ thể từng chiếc. Vì sau khi xuất xưởng, nhập cảng về thì các lô xe phải qua quãng đường dài vận chuyển, đưa về các kho bãi cất giữ. Trong quá trình đó tất yếu sẽ xuất hiện va đập, hư hỏng thậm chí là mất mát chi tiết kỹ thuật.... Ví dụ, ở Việt Nam, phần lớn xe ô tô con hiện được sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy ở miền Bắc, miền Trung khi vận chuyển theo lô, trên xe đầu kéo vào phía Nam thì tất yếu có xe bị va đập, móp méo khi lên xuống xe chuyên dụng hoặc va đập vào thùng....
Xe mới phải được kiểm định để xác định rõ tình trạng kỹ thuật trước khi ra lưu thông trên đường bộ và nhằm lập hồ sơ quản lý suốt đời xe. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Cạnh đó, thời gian lưu kho, để bãi (không xác định được thời gian) thì từng chiếc xe có một quá trình hao mòn vô hình và hữu hình mà nhà sản xuất, người bán xe không thể biết được nên trước khi đưa vào lưu thông buộc phải kiểm định cụ thể 60-70 chi tiết, hạng mục. Thực tế, có nhiều xe để bãi, lưu kho quá lâu thì lốp xì, khung mọt, dây điện chuột cắn, mất đèn, còi.... nếu không kiểm, xét cụ thể thì rất nguy hiểm khi đưa vào lưu hành...
Vì vậy, việc kiểm định xe trước khi đưa vào lưu hành không chỉ nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật mà còn bảo đảm cho khách hàng, người sử dụng có được xe đúng, xe chuẩn.
Tóm lại, mộ chiếc xe trước khi đưa vào lưu thông phải qua ba bước: Kiểm tra xuất xưởng, nhập khẩu của hãng xe, nhà nhập khẩu (KCS) – kiểm định đạt chuẩn theo lô của cơ quan đăng kiểm – kiểm định đạt chuẩn của từng chiếc
Bỏ kiểm định lần đầu thì làm sao theo dõi suốt đời xe?
Luật GTĐB 2008 quy định, sau khi xác định xe ô tô có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Công an) cấp đăng ký và biển số (khoản 1 Điều 54).
Theo quy định này thì việc đăng kiểm, kiểm định xe phải được cơ quan đăng kiểm tiến hành kiểm định (lần đầu) trước khi cơ quan công an cấp biển số cho xe vào lưu thông.
Việc kiểm định lần đầu cũng là bước tạo lập hồ sơ theo dõi… suốt đời (niên hạn) của chiếc xe đó và nó cũng được dùng đến khi truy xuất tình trạng kỹ thuật xe trong các vụ tai nạn, truy tìm nguồn gốc tài sản trong các vụ án, vụ việc.
Vậy nếu bỏ kiểm định lần đầu theo như đề xuất của C08 thì việc quản lý hồ sơ kỹ thuật đối với ô tô mới bằng cách nào, ai chịu trách nhiệm? Không thể một đơn vị vừa cấp biển số xe vừa cấp sổ kiểm định.