Bộ GD&ĐT quyết tâm chấm dứt đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm?

(PLO)- Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, đến năm 2030, sẽ không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-12, Bộ GD&ĐT tổ chức buổi toạ đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2030, không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (54 cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ GD&ĐT, 26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tại địa phương), 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập (5 cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài).

đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm?
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, từ sau 2030 chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: NQ

Cả nước cũng có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trực thuộc Bộ GD&ĐT, 17 trực thuộc các địa phương), 18 trường cao đẳng đa ngành.

Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên có độ bao phủ cao tuy nhiên phân bổ chưa đồng đều, vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt, tuyển sinh gặp nhiều khó khăn.

Do đó theo dự thảo quy hoạch mạng lưới sẽ sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm theo các phương thức: sáp nhập vào một trường đại học sư phạm hoặc một cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng; sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học tại địa phương. Và theo lộ trình đến năm 2030 sẽ không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và các trường cao đẳng đa ngành; chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

Cần xem xét lại

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết theo Nghị quyết Trung ương 8 vừa rồi, Bộ Chính trị xác định tiến tới phổ cập trẻ mầm non từ 3-4 tuổi.

Hiện tại đang phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ đến lớp 20 đến 25% tuỳ theo địa phương.

“Sau này, khi thực hiện phổ cập trẻ 3, 4 tuổi, nhu cầu giáo viên mầm non sẽ lớn. Do đó, nên chăng kéo dài thời hạn để các trường cao đẳng sư phạm tiếp tục đào tạo chuyên ngành sư phạm mầm non ở bậc cao đẳng. Lý do, đối với mầm non theo luật giáo dục 2019 chỉ cần trình độ cao đẳng điều này cũng giải quyết bài toán cung cầu” - vị này nói thêm.

Cũng theo vị đại diện trên, cần phải xem xét năng lực, quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường để đảm bảo được đội ngũ giáo viên cho đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các địa phương khác nói chung theo tinh thần có học sinh phải có giáo viên.

đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm?
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: NQ

Trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện các trường cao đẳng sư phạm đang rất thiệt thòi vì chỉ còn duy nhất ngành đào tạo sư phạm mầm non trình độ cao đẳng. Do đó các trường gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Thứ trưởng, nếu muốn tiếp tục phát triển phải mở rộng nhiều ngành nghề khác. Điều này không khác gì trường cao đẳng nghề như một số trường khác đã thực hiện. Nếu như vậy rất khó quản lý.

Vì thế, giải pháp dành cho các trường này sẽ trở thành phân hiệu, đơn vị của trường đại học sư phạm là tốt nhất hoặc trường đại học đa ngành có đào tạo được giáo viên.

“Đây là phương án tốt nhất tạo cơ hội cho các trường phát triển để làm tốt hơn việc đào tạo giáo viên. Đồng thời giúp các trường tiếp tục đào tạo trình độ cao đẳng, cả trình độ đại học và giáo viên các ngành khác. Đây là điều kiện để phát triển chứ không phải hạn chế" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm