Bộ GTVT đề xuất chi 9.427 tỉ để xóa 7 trạm BOT

Thực hiện đề nghị của Bộ KH&ĐT về đề xuất danh mục và cơ chế để Chính phủ triển khai gói phục hồi kinh tế, Bộ GTVT vừa đề xuất phân bổ một số tiền “khủng” cho ngành và kéo dài gói này đến năm 2025, thay vì năm 2023 như đề nghị của Bộ KH&ĐT.

Đề xuất phân bổ khoảng 190.100 tỉ

Cụ thể, Bộ GTVT cho rằng các dự án giao thông cơ bản có quy mô và vốn lớn, thời gian chuẩn bị tối thiểu 1,5-2 năm. Trong đó, các dự án nhóm A cần 3-4 năm, dự án nhóm B cần 2-3 năm, dự án quan trọng quốc gia cần thời gian dài hơn thế.

Với dự án trên địa bàn khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL, do điều kiện nền đất yếu nên phải có thời gian chờ gia tải cũng mất 12-18 tháng. Cạnh đó, các dự án giao thông phụ thuộc rất lớn vào tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện. “Vì vậy cần kéo dài thời gian của chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2025 mới đảm bảo giải ngân hết vốn bố trí” - Bộ GTVT lý giải.

Bộ GTVT đề xuất bố trí 9.427 tỉ đồng để xóa bỏ bảy trạm BOT không thu phí được do người dân phản đối, trong đó có trạm T2 trên quốc lộ 91.
Ảnh: HẢI DƯƠNG

Căn cứ thời gian trên, Bộ GTVT đề xuất phân bổ cho ngành giao thông khoảng 190.100 tỉ đồng từ gói phục hồi kinh tế này để đầu tư các dự án giao thông quan trọng và giải quyết bất cập tại các trạm thu phí BOT.

Nguồn tiền trên sẽ được Bộ GTVT giải ngân theo bốn giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2022-2023, Bộ GTVT cần bố trí khoảng 9.628 tỉ đồng để triển khai hoàn thành dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ; thanh toán nghĩa vụ nhà nước đối với dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ (QL) 30 qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp (dự án này đang phải tạm dừng theo Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Đáng chú ý trong giai đoạn này, Bộ GTVT đề xuất bố trí 9.427 tỉ đồng để xóa bỏ bảy trạm BOT không thu phí được do người dân phản đối. Cụ thể là trạm BOT Bờ Đậu (QL3), cầu Thái Hà (Thái Bình), trạm Bỉm Sơn (TP Thanh Hóa), trạm La Sơn - Túy Loan (nối Huế - Đà Nẵng), trạm Km1747 (QL14), Ninh Xuân (Khánh Hòa) và trạm T2 (QL91).

Giai đoạn 2, gói phục hồi kinh tế bổ sung cho ngành giao thông khoảng 17.582 tỉ đồng để triển khai 18 dự án đường bộ, đường thủy…; đồng thời thực hiện mở rộng cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt (trên QL1A), nâng cấp và cải tạo QL53 đoạn Long Hồ - Ba Si, mở rộng đoạn từ ngã năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui và nâng cấp tuyến đường Nam Sông Hậu… Các dự án này hoàn thành vào năm 2024.

Giai đoạn 3, Bộ GTVT sẽ đầu tư nối thông đường Hồ Chí Minh, hoàn thành ba dự án thuộc giai đoạn 2 của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đầu tư một số dự án đường bộ ở phía Nam như Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận… với số vốn là 97.236 tỉ đồng và hoàn thành vào năm 2025.

Giai đoạn sau năm 2025, Bộ GTVT mong muốn chương trình bổ sung 65.659 tỉ đồng để triển khai chín dự án giao thông lớn. Chẳng hạn như dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, An Hữu - Cao Lãnh, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội…

Đề xuất cơ chế đặc thù để giải ngân nguồn vốn

Đi kèm với các dự án này, Bộ GTVT đề xuất các cơ chế đặc thù để giải ngân nguồn vốn được nhanh nhằm sớm phục hồi kinh tế. Chẳng hạn như có cơ chế chỉ định thầu các gói thầu tư vấn để rút ngắn thủ tục, thời gian lựa chọn nhà thầu, sớm khởi công xây dựng; chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án giải phóng mặt bằng…

“Cạnh đó là việc Chính phủ cho phép nhà thầu được áp dụng cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đã triển khai với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025…” - Bộ GTVT đề xuất.

Trước đó, báo chí đưa tin Bộ KH&ĐT đang xây dựng gói kích thích kinh tế có thể lên tới 800.000 tỉ đồng.

Theo Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, tại tọa đàm chương trình phục hồi kinh tế mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần thúc đẩy công tác đầu tư công. Trong đó cần lựa chọn những dự án, công trình đã được phê duyệt để có thể giải ngân ngay.

“Cạnh đó cần phải lựa chọn những người tài giỏi để chỉ huy kế hoạch phục hồi và chấn hưng nền kinh tế. Ai làm sai, làm kém phải loại khỏi guồng máy, thậm chí là bị trừng phạt ngay, không có vùng cấm” - Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho hay.•

Vốn trung hạn được bố trí còn thấp so với nhu cầu

Theo Bộ GTVT, giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT đã xây dựng nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước là 462.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được 304.104 tỉ đồng. Trong đó, 147.000 tỉ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước, chỉ có 157.000 tỉ đồng để triển khai các dự án mới, vì vậy nguồn vốn còn thiếu chưa cân đối được.

Cạnh đó, các dự án đường bộ cao tốc triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang gặp khó khăn về vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phần vốn góp nhà nước không quá 50% tổng mức đầu tư dự án nên các dự án có thời gian thu phí hoàn vốn dài (trên 25 năm) không hấp dẫn nhà đầu tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm