GÓP Ý SỬA LUẬT TỔ CHỨC TAND

Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời để bảo đảm tính độc lập xét xử

(PLO)- Đối với thẩm phán, vấn đề không được tiếp tục tái bổ nhiệm là một nỗi lo rất lớn; một khi đã lo thì sẽ sợ, mà đã sợ thì khó có thể độc lập khi xét xử.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiện nay, Điều 74 Luật Tổ chức TAND quy định “nhiệm kỳ đầu của các thẩm phán là năm năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm”.

Tiếp tục đề xuất “bổ nhiệm suốt đời”

Lý giải cho đề xuất “thẩm phán được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác…” trong dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), TAND Tối cao cho biết việc thay đổi về nhiệm kỳ thẩm phán là để thể chế hóa Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 11-9-2022, tăng cường tính độc lập của thẩm phán…

p6-anh-chinh.jpg
Được bổ nhiệm lâu dài, thẩm phán không phải “ngó trước, nhìn sau”, đặc biệt là mỗi khi đến kỳ tái bổ nhiệm. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Không phải đợi đến khi có Nghị quyết 27/2022, ngay từ năm 2005, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì đã nêu nhiệm vụ “nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn”. Đến khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 thì khoản 3 Điều 105 quy định: “Việc bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của thẩm phán và việc bầu, nhiệm kỳ của hội thẩm do luật định”.

Nhiệm kỳ thẩm phán tại một số nước

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, thẩm phán có nhiệm kỳ 10 năm và có thể được bổ nhiệm lại.

Tại Mỹ, các thẩm phán Tòa án Tối cao không có nhiệm kỳ cố định. Họ phục vụ cho đến khi qua đời, nghỉ hưu hoặc bị cách chức. Quy định về nhiệm kỳ thẩm phán liên bang được đưa ra nhằm mục đích buộc các thẩm phán này luôn hành động vì công lý; không bị chính trị, các cuộc bầu cử chi phối.

Tại Đức, các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp liên bang có một nhiệm kỳ duy nhất là 12 năm hoặc khi đến tuổi nghỉ hưu là 68.

HỒNG SƠN

Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật Tổ chức TAND được soạn thảo và đề xuất hai phương án. Phương án 1: Nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là năm năm; nếu tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Phương án 2: Nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là năm năm; nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ sau được kéo dài cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Cuối cùng, Quốc hội đã chọn phương án 1 và nội dung này được chính thức hóa trong Điều 74 Luật Tổ chức TAND 2014 khi đạo luật này thay thế Luật Tổ chức TAND 2002.

Trong lần sửa đổi Luật Tổ chức TAND này, vấn đề “bổ nhiệm suốt đời” lại được đề xuất. Khác với sự dè dặt trước đây, nội dung này hiện nhận được sự đồng tình rất lớn bởi nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nguyên tắc hiến định “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Tránh cho thẩm phán phải “ngó trước, nhìn sau”

Với quy định của pháp luật hiện hành, vấn đề bổ nhiệm, nhiệm kỳ và tái bổ nhiệm là những rào cản lớn trong việc bảo đảm tính độc lập khi xét xử của thẩm phán. Đối với thẩm phán, vấn đề không được tiếp tục tái bổ nhiệm là một nỗi lo rất lớn. Một khi đã lo thì sẽ sợ, mà đã sợ thì khó có thể độc lập khi xét xử.

Động lực để thẩm phán rèn luyện, phấn đấu

Nhiệm kỳ năm năm đầu là để thẩm phán rèn luyện kỹ năng, vượt qua thử thách nhằm định hình bản lĩnh và năng lực. Khi đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng có cơ hội nhìn nhận, đánh giá năng lực của thẩm phán.

Nếu thực sự không đáp ứng được yêu cầu thì không được tái bổ nhiệm và không có nhiệm kỳ lâu dài. Ngược lại, nếu đã có kỹ năng, bản lĩnh thì được tái bổ nhiệm và nhiệm kỳ lâu dài. Đây cũng là động lực thúc đẩy thẩm phán kiên trì rèn luyện, phấn đấu để được tái bổ nhiệm.

TS CAO VŨ MINH

Thực trạng không thể phủ nhận là hiện nay thẩm phán chịu nhiều áp lực từ quan điểm của lãnh đạo tòa (trực tiếp), người có thẩm quyền của địa phương (gián tiếp). Đó là chưa kể đến những nội dung chuyên môn phải thỉnh thị án.

Do đó, sự độc lập của thẩm phán cần phải gắn liền với sự ổn định về vị trí làm việc. Với logic này thì việc bổ nhiệm thẩm phán theo nhiệm kỳ và nhiệm kỳ quá ngắn như ở nước ta hiện nay rõ ràng ảnh hưởng đến tính độc lập trong xét xử của thẩm phán. Thẩm phán phải “ngó trước, nhìn sau”, đặc biệt là mỗi khi đến kỳ tái bổ nhiệm.

Trên thế giới, nhiệm kỳ của thẩm phán chủ yếu phân thành hai dạng là làm việc suốt đời (làm thẩm phán cho đến tuổi nghỉ hưu) và làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Các nước như Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan, Canada… thực hiện chế độ thẩm phán suốt đời. Ở các nước này, tính độc lập trong xét xử của thẩm phán rất cao. Một số quốc gia khác như Nhật Bản, Panama… thì thẩm phán làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của thẩm phán thường khá dài. Về nguyên lý, việc bổ nhiệm thẩm phán có nhiệm kỳ dài hay bổ nhiệm suốt đời sẽ giúp đội ngũ thẩm phán yên tâm công tác, bảo đảm được sự độc lập trong xét xử.

Phát triển nguồn chất lượng để bồi dưỡng làm thẩm phán

Việc bổ nhiệm thẩm phán với nhiệm kỳ lâu dài không đồng nghĩa với việc trang bị cho thẩm phán “kim bài miễn tử”. Trường hợp thẩm phán tuy có nhiệm kỳ suốt đời nhưng nếu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ thì vẫn có thể bị bãi miễn như một hình thức kỷ luật.

Như vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tìm kiếm, phát triển đội ngũ công chức có trình độ, kỹ năng, chuẩn mực, tư cách đạo đức để bồi dưỡng trở thành thẩm phán. Bên cạnh đó, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán cũng phải được tiến hành một cách khoa học, khách quan, thực sự chọn được những người có năng lực. Năng lực của thẩm phán bao gồm cả trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức công vụ… Một khi đã chọn lựa được người hội tụ đầy đủ những yếu tố trên thì có thể yên tâm bổ nhiệm làm thẩm phán rồi tái bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm