Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 24/2014 về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đang thu hút dư luận. Đáng chú ý là đề xuất sáp nhập một số sở ở cấp tỉnh để thành lập sở mới. Theo đó, Sở Kế hoạch - Tài chính là sự hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính; Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị (hoặc Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị) là sự hợp nhất Sở Xây dựng với Sở GTVT (và Sở QH-KT tại TP.HCM và Hà Nội).
Không đồng ý và đề nghị cân nhắc
Theo bản tổng hợp giải trình và tiếp thu ý kiến bộ, ngành, địa phương được Bộ Tư pháp đưa lên cổng thông tin điện tử, nhiều bộ và địa phương không đồng ý hoặc đề nghị cân nhắc kỹ phương án sáp nhập sở mà Bộ Nội vụ đưa ra.
Cụ thể, góp ý về nội dung hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính, các tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Thái Bình đề nghị không hợp nhất vì nhiệm vụ hai sở này quá lớn và quan trọng tại địa phương.
Tương tự, Bộ Xây dựng, tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh nêu trên cũng đề nghị không hợp nhất Sở Xây dựng với Sở GTVT (và Sở QH-KT tại Hà Nội và TP.HCM) vì chức năng, nhiệm vụ của hai sở này quá lớn, liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Trong khi đó, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT và một số địa phương lại đề nghị cân nhắc phương án sáp nhập này. Lý do được đưa ra vì nhiệm vụ của hai sở Tài chính, KH&ĐT quá lớn và quan trọng ở địa phương, còn hai sở Xây dựng, GTVT có nhiều điểm khác biệt, hoạt động đang ổn định…
Đề xuất sáp nhập một số sở của Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh: Người dân đang làm thủ tục tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD
Bộ Nội vụ bảo lưu quan điểm
Giải trình về các góp ý nêu trên, Bộ Nội vụ bảo lưu quan điểm như phương án trong dự thảo.
Đối với phương án lập Sở Kế hoạch - Tài chính, Bộ Nội vụ cho rằng chức năng, nhiệm vụ của hai sở Tài chính và KH&ĐT có mối quan hệ liên thông với nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính và bố trí cân đối các nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Việc hợp nhất hai sở này sẽ tạo điều kiện cho việc tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, tài chính, ngân sách hiệu quả hơn, hạn chế tối đa các giao thoa về nhiệm vụ giữa hai sở này kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ Chính phủ.
Đối với phương án lập Sở Hạ tầng và Phát triển đô thị, Bộ Nội vụ lý giải: Việc hình thành và phát triển các không gian đô thị hiện đại không thể tách rời giữa quy hoạch xây dựng đô thị với quy hoạch hạ tầng giao thông. Vì vậy, Chính phủ cần tổ chức một cơ quan quản lý thống nhất hai lĩnh vực này sẽ bảo đảm nâng cao tính hiệu quả, khắc phục những bất cập, chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý hạ tầng đô thị (xây dựng nhà, cấp thoát nước đô thị thuộc ngành xây dựng) và hạ tầng giao thông (xây dựng đường thuộc ngành giao thông).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 29-3, một lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay: Trên cơ sở góp ý của các bộ và địa phương, Bộ Nội vụ sẽ tính toán lại các phương án. “Có thể sẽ có một số đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM” - vị lãnh đạo này nói.
Nhiều sở sẽ “biến mất”? Dự thảo nghị định đề nghị xếp một số sở như KH&CN, NN&PTNT, TT&TT vào diện sở “mềm”, tức là địa phương có thể quyết định thành lập hay không thành lập những sở này. Ý kiến nhiều địa phương cho rằng nên để những sở này vào diện “cứng” vì đã được tổ chức thống nhất. Giải trình vấn đề này, Bộ Nội vụ cho rằng Sở KH&CN hoàn toàn có thể sáp nhập vào Sở GD&ĐT vì khoa học, công nghệ là một lĩnh vực của giáo dục, đào tạo. Tương tự, Sở TT&TT nên được sáp nhập vào Sở VH-TT&DL. Còn đối với Sở NN&PTNT, Bộ Nội vụ cho rằng lĩnh vực nông nghiệp ở nhiều địa phương đã thu hẹp lại, không cần thiết phải tổ chức một sở chuyên môn. ____________________________ 3 là số lượng cấp phó tối đa ở các sở mà dự thảo nghị định đưa ra. Tuy nhiên, khá nhiều bộ, địa phương đề nghị số lượng cấp phó đối với các sở đa ngành, đa lĩnh vực và Hà Nội, TP.HCM không quá bốn người, số lượng cấp phó các sở sáp nhập không quá năm người. |