Bỏ quyền khởi tố vụ án của tòa

Điều 13 BLTTHS hiện hành quy định khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án… Tương tự, Điều 104 BLTTHS cũng quy định HĐXX ra quyết định khởi tố nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra.

Không phù hợp

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử từ trước đến nay chưa có trường hợp nào mà tòa án lại chủ động thực thi quyền khởi tố vụ án cả. Thông thường, gặp trường hợp có dấu hiệu tội phạm hoặc người phạm tội mới, các tòa chỉ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng lý giải: Để khởi tố một vụ án hình sự thì cần phải có căn cứ vững chắc. Mà muốn có căn cứ vững chắc thì phải qua một quá trình xác minh, thu thập tài liệu, đồ vật, lời khai… ban đầu. Tòa án không có lực lượng, cũng không có nghiệp vụ này. Do đó, dù luật cho quyền nhưng các tòa đều không bao giờ chủ động khởi tố vụ án cả.

Bỏ quyền khởi tố vụ án của tòa ảnh 1

Trên thực tế, tòa có chức năng xét xử chứ chưa có trường hợp nào mà tòa án lại chủ động thực thi quyền khởi tố vụ án cả. Ảnh: HTD

Một thẩm phán TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) thì nói tòa khởi tố vụ án hình sự sẽ dẫn đến việc xét xử không đảm bảo tính khách quan. Ông ví dụ: Tòa khởi tố vụ án, sau đó cơ quan điều tra ra kết luận điều tra, VKS ra cáo trạng truy tố. Ra phiên xử, bị cáo kêu oan. Lúc này, thay vì là cơ quan tài phán, phân định có tội hay không dựa trên kết quả xét hỏi, tranh luận và các chứng cứ thì tòa rất dễ bị thiên kiến bị cáo có tội vì những quan điểm mà chính tòa mặc định ngay từ khi ra quyết định khởi tố ban đầu. Thêm nữa, việc tòa khởi tố vụ án dễ gây sự bất bình, mất niềm tin của người tham gia tố tụng. Họ sẽ cho rằng tòa đã khởi tố thì mặc nhiên tòa cũng sẽ kết án bị cáo.

Tòa chỉ thực hiện chức năng xét xử

Theo Thẩm phán Nguyễn Thành (Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng), một điều bất ổn khác là quy định chưa có sự thống nhất. Ở một số quy định chung thì ghi nhận tòa là một trong những cơ quan tố tụng có quyền khởi tố vụ án. Nhưng trong các quy định cụ thể về chức năng của tòa lại nêu nhiệm vụ của tòa là người tài phán, điều khiển để các bên buộc tội, bào chữa và những người tham gia tố tụng khác làm rõ các vấn đề của vụ án.

Giảng viên Võ Thị Kim Oanh (Trưởng khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) bổ sung thêm: Đa số nhà nghiên cứu pháp luật đều cho rằng giao cho tòa quyền khởi tố vụ án hình sự là không phù hợp. Về nguyên tắc, chức năng của tòa là xét xử. Nếu cho tòa quyền khởi tố vụ án, không những làm mất tính khách quan trong xét xử mà còn là trái với chức năng thực tế và tạo sự chồng chéo về chức năng giữa các cơ quan tố tụng.

Chính vì vậy, kiểm sát viên Trần Hồng Sơn (VKSND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã cho rằng cần phải bỏ quy định tòa có quyền khởi tố vụ án ở Điều 13 và Điều 104 BLTTHS hiện hành. Chức năng này nên giao hẳn cho cơ quan điều tra và VKS, là các bên buộc tội. Còn tòa chỉ nên tập trung làm tốt công tác xét xử mà thôi.

Bỏ luôn trách nhiệm chứng minh tội phạm

BLTTHS có nhiều quy định nêu rõ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có tòa án. Theo tôi, nhiệm vụ chứng minh tội phạm này hoàn toàn không phù hợp với chức năng của tòa. Nhiệm vụ này là của các cơ quan tố tụng thực hiện chức năng buộc tội. Về nguyên tắc, chức năng của HĐXX chỉ là tài phán, tức thẩm tra các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, lắng nghe các quan điểm buộc tội - gỡ tội, tranh luận tại phiên tòa để làm cơ sở nghị án và ra bản án. Vì vậy, luật cần phải tách bạch nhiệm vụ chứng minh tội phạm ra khỏi chức năng của tòa án.

Thẩm phán LÊ THỊ NGỌC HÀ,
Chánh tòa Hình sự TAND TP Đà Nẵng

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm