Bộ TN&MT dự kiến cho phép các tỉnh sử dụng cát biển làm đường

(PLO)- Dự kiến UBND các tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm khi sử dụng cát biển làm đường giao thông mà để xảy ra sự cố môi trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ TN&MT đang lấy ý kiến Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT dự thảo chỉ đạo UBND các tỉnh về việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông.

Theo đó, bộ này cho biết trên cơ sở chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, đơn vị dự kiến sẽ chỉ đạo cho phép các tỉnh sử dụng cát nhiễm mặn để san lấp các khu vực có điều kiện thổ nhưỡng có độ mặn bằng, hoặc cao hơn độ mặn của vật liệu san lấp và các hoạt động khai thác tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản phù hợp với nguồn nước nhiễm mặn.

Bộ GTVT thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm đường trên phạm vi đường tỉnh.
Bộ GTVT thực hiện thí điểm sử dụng cát biển làm đường trên phạm vi đường tỉnh.

Các khu vực có điều kiện địa chất đồng nhất, thổ nhưỡng có độ mặn thấp hơn độ mặn của cát nhiễm mặn dùng để san lấp, ít khả năng chịu tác động của hiện tượng sạt lở, sụt lún và các tai biến thiên nhiên cũng có thể nghiên cứu cho phép dùng cát nhiễm mặn để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên điều kiện đi kèm là không để lan truyền độ mặn của cát biển ra khu vực xung quanh.

Thêm vào đó, căn cứ vào điều kiện canh tác, sản xuất tại khu vực thi công, các chủ đầu tư cần có biện pháp xử lý cát nhiễm mặn để giảm độ mặn. Sau đó, căn cứ độ mặn này để xác định phạm vi sử dụng cát nhiễm mặn, xây dựng phương án, chỉ dẫn kỹ thuật thi công trước khi triển khai thi công.

Trường hợp không thể xử lý độ mặn đảm bảo yêu cầu về môi trường, có thể thực hiện việc đắp nền đường giao thông thông qua giải pháp chống thấm như vải địa kỹ thuật, lớp nhựa HDPE, các chất phụ gia, vật liệu chống thấm kết hợp với xây kè hai bên… Không để nước mưa từ khu vực đắp nền đường bằng cát nhiễm mặn trong quá trình thi công chảy tràn sang các khu vực lân cận.

Các tuyến sử dụng cát biển cần phải theo dõi, phát hiện kịp thời những điểm gia tăng độ mặn và khu bị chịu tác động ảnh hưởng. Dừng hoạt động thi công, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện các giải pháp khắc phục cụ thể để khống chế và ngăn chặn sự lan truyền nước nhiễm mặn ra khu vực lân cận.

Không sử dụng cát biển để san lấp, đắp nền các khu vực sau: Có địa chất nền không đồng nhất, điều kiện thổ nhưỡng có độ mặn thấp hơn độ mặn của cát nhiễm mặn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không tương đồng về độ mặn với vật liệu san lấp, môi trường nhạy cảm, thường xuyên xảy ra sụt lún, sạt lở, nhiều rủi ro bởi tác động của tai biến thiên nhiên.

UBND các tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo đầy đủ tình hình triển khai thực hiện, các vấn đề môi trường nổi cộm trong quá trình thi công và khi các dự án giao thông sử dụng thí điểm cát nhiễm mặn để san lấp về Bộ TN&MT định kỳ hàng năm và trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường.

Hiện Bộ GTVT đang thực hiện mở rộng thí điểm dùng cát biển đắp nền đường đối với dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau, thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Song song đó, Chính phủ cũng đang cho phép các tỉnh được sử dụng cát biển đắp nền đường nhưng phải theo hướng dẫn của các cơ quan trung ương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm