Bộ trưởng Bộ LĐ-LĐ&XH nói gì khiếu nại của DN?

Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO) khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ và bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH về các sai trái trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và các quyết định của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) do một số cán bộ tại cục này ban hành.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định sẽ siết chặt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm ăn chụp giật. Ảnh: AN NHIÊN

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung xác nhận Bộ đã nắm rõ vụ việc này và cho rằng đây là đơn khiếu nại, theo đó phải giải quyết tại Cục Quản lý lao động ngoài nước trước. Bước tiếp theo mới đưa lên Bộ giải quyết tiếp với tinh thần không bao che.

Người đứng đầu Bộ LD-TB&XH thông tin, sau khi có đơn khiếu nại của doanh nghiệp Bộ đã giao cho một thứ trưởng không phụ trách trực tiếp Quản lý lao động ngoài nước giải quyết vụ việc này để đảm bảo sự khách quan. Theo đó, dự kiến ngày 19-5, một lãnh đạo của Bộ chủ trì gặp gỡ báo chí để thông tin vụ việc. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày cuộc gặp gỡ này đã bị hoãn.

Từ vụ việc này, ông Dung khẳng định quan điểm của Bộ là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động làm ăn đàng hoàng phát triển, đồng thời sẽ siết các doanh nghiệp làm chụp giật, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trước đó, tại Phiên họp toàn quốc lần thứ 6 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Dung cho biết bên cạnh những doanh nghiệp xuất khẩu lao động tốt, thì tình trạng môi giới, cò, bán giấy phép xuất khẩu lao động, thậm chí một số doanh nghiệp ngoài nước còn vào làm môi giới…

”Tôi là người siết mạnh nhất tình trạng cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, ngoài ra với các công ty làm tốt thì tạo điều kiện hoạt động” - ông Dung nói.

Ông Dung cho biết thêm, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động hàng chục công ty xuất khẩu lao động có sai phạm. Riêng thị trường Hàn Quốc, tạm ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS năm 2017 đối với 58 quận/huyện thuộc 12 tỉnh, thành phố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm