Sáng 2-11, tại hội trường, các đại biểu thảo luận về các vấn đề như giải ngân vốn đầu tư công, thuế, phân bổ ngân sách nhà nước…
Trước những ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có những giải trình, làm rõ.
Bộ trưởng tiếp tục khẳng định, kinh tế Việt Nam chín tháng qua tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài và bội chi ngân sách được kiểm soát...
Có vướng mắc về pháp luật và cần hoàn thiện
Về chính sách tài khoá, bộ trưởng cho biết Việt Nam đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách.
Trong ba năm qua, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội và Chính phủ giảm thuế, tiền thuê đất. Năm 2021 giảm được 132,4 ngàn tỉ, năm 2022 giảm 233.000 tỉ và năm nay con số này dự kiến khoảng 200.000 tỉ.
“Đây cũng là một nỗ lực rất lớn” – Bộ trưởng Tài chính nhìn nhận và đặt vấn đề sau khi giảm thuế làm thế nào để có tiền để tiếp tục giữ được cán cân tài khóa, trong khi theo Nghị quyết 43/2022 thì phải đưa vào nền kinh tế 347.000 tỉ đồng.
Về ý kiến của một số đại biểu cho rằng không vướng pháp luật, bộ trưởng nhận định chúng ta hoàn thiện pháp luật tốt thì tăng trưởng sẽ mạnh hơn, nền kinh tế bền vững hơn và doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Phớc dẫn chứng thực tế như Luật Quy hoạch, hiện vẫn chưa phê duyệt được quy hoạch cấp tỉnh nên không thể triển khai quy hoạch của các phân khu. Hay giải ngân đầu tư công còn thấp trong khi nền kinh tế đang khát vốn…
“Đây có phải vấn đề vướng mắc từ Luật Đầu tư công không?” - bộ trưởng đặt câu hỏi và cho rằng nếu không sửa Luật Đầu tư công thì chúng ta vẫn cứ tiếp tục bàn mãi về vấn đề giải ngân đầu tư công.
“Ví dụ, muốn điều chỉnh danh mục công trình cũng phải ra Quốc hội, muốn điều chỉnh vốn từ dự án này sang dự án khác cũng phải ra Quốc hội. Muốn lập dự án phải có tiền, tiền phải đưa vào kế hoạch đầu tư công; có dự án mới được bố trí tiền...” - Bộ trưởng Tài chính nêu vướng mắc và dẫn chứng dự án sân bay Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia nhưng đến hôm nay cũng chưa giao được vốn.
Do đó, theo ông Phớc, phải sửa Luật Đầu tư công và sắp tới có thể sửa Luật Ngân sách, khi đó sẽ đưa vào một chương phù hợp với Luật Ngân sách về chi thường xuyên và chi đầu tư.
“Ngay cả vấn đề chi thường xuyên, chi đầu tư bây giờ vẫn còn tranh luận nhau. Do vậy, vấn đề vướng pháp luật tôi nghĩ là có và chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện” - Bộ trưởng Tài chính nói.
Về dự toán ngân sách năm 2024, theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính đã giảm thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu và thuế VAT từ 10% xuống 8%. Còn trong bố trí chi, Bộ Tài chính đã bố trí đủ để nâng lương cơ sở từ nay cho đến ngày 1-7-2024, đồng thời thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương cải cách chính sách tiền lương từ 1-7-2024.
Đã hoàn thuế được 92%
Giải trình về vấn đề hoàn thuế mà một số đại biểu nêu, Bộ trưởng Tài chính cho biết hiện nay đã hoàn được 92%, chỉ còn giải quyết 14.857 hồ sơ và đang giải quyết 534 hồ sơ với số tiền 9.154 tỉ.
Theo bộ trưởng, điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn giá trị gia tăng, có chứng từ chuyển tiền. Riêng đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm hợp đồng, chứng từ chuyển tiền hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.
Từ đây, nếu đã xác minh ở nước ngoài, cơ quan thuế của nước ngoài bảo không tồn tại doanh nghiệp này có nghĩa hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn được.
Bộ trưởng nhắc tới vụ án Thủ Đức House và cho biết đây là "bài học rất đau xót".
“Riêng Thủ Đức House là Cục Thuế TP.HCM có 18 người đi tù, kể cả cục phó đi tù bốn năm mà không lấy đồng nào hết, chỉ làm sai thôi” - Bộ trưởng nói và cho rằng nếu trong luật thuế nói hoàn thuế mà chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì sẽ thực hiện ngay.
Tuy nhiên, luật thuế hiện nay quy định nếu hoàn trước, kiểm tra sau là sáu ngày còn kiểm tra trước, hoàn sau là 40 ngày, cơ quan thuế phải chấp hành.
Liên quan đến vụ Thủ Đức House, 18 bị cáo nguyên là cán bộ thuế công tác tại Cục thuế và các Chi cục thuế ở TP.HCM bị đưa ra xét xử.
Trong đó, 11 bị cáo thuộc Cục thuế TP.HCM bị cáo buộc trong thời gian từ tháng 2-2018 đến tháng 8-2019 đã tiếp nhận 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Thuduc House.
Sau đó, những người này đã ban hành 15 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng cho Thuduc House trái quy định gây thất thoát số tiền hơn 331 tỉ đồng.