Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xây dựng nền tài chính vì dân, doanh nghiệp

THÔNG ĐIỆP 2023 TỪ CÁC BỘ TRƯỞNG:

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Xây dựng nền tài chính vì dân, doanh nghiệp

(PLO)- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tin tưởng vào tương lai phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, “hàn thử biểu” của nền kinh tế.

“Năm 2023 dù có nhiều khó khăn, nhưng ngành tài chính sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện… Phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để khơi thông nguồn vốn, phát triển DN”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc mở đầu cuộc trao đổi nhân dịp đầu xuân Quý Mão 2023 với Pháp Luật TP.HCM đã nhấn mạnh như vậy.

Tinh thần nhân văn trong các chính sách

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, một cách khái quát, nhìn lại năm qua thì chúng ta có thể nói gì về ngành tài chính?

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Dù năm qua có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ… chúng tôi luôn kiên định các mục tiêu, đồng thời phát huy tinh thần quyết liệt, đột phá sáng tạo trong điều hành nhằm đề xuất và thực thi các chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất – kinh doanh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Thủ tướng khi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 cũng khẳng định ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, quan trọng nhất là nhấn mạnh của Thủ tướng về các chính sách xuất phát từ lợi ích của người dân, DN theo tinh thần khoan sức dân của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Có thể nói rằng, những chính sách như: giảm thuế, giãn thuế, giảm, miễn các loại phí, tăng cường đầu tư ngân sách cho phục hồi kinh tế vừa qua… đều được Bộ Tài chính tham mưu và Chính phủ, Quốc hội ban hành đúng thời điểm.

. Vâng, và chúng ta hiểu rằng cái gì cũng nên có con số để đo đếm hiệu quả trên thực tế, thưa Bộ trưởng?

+ Tôi có trả lời nhiều lần về vấn đề này. Năm trước, tổng số tiền miễn, giảm thuế, phí khoảng 233.000 tỉ đồng. Số này đã góp phần đáng kể để giảm bớt khó khăn cho người dân và DN. Chúng tôi, theo chỉ đạo của Chính phủ, đã đề xuất gói phục hồi kinh tế 347.000 tỉ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, chuyển đổi số, hỗ trợ DN, an sinh xã hội…

Tất nhiên, không phải lúc nào mọi đề xuất chính sách cũng thuận lợi, xuôi chèo mát mái, nhưng trên tất cả là tất cả các chính sách đều hướng đến tinh thần nhân văn mà cụ thể là mục tiêu hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn vốn là hệ quả của COVID-19 từ những năm trước. Các chính sách tài khóa đã góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, không để lỡ đà phục hồi của kinh tế thế giới cũng như ổn định kinh tế trong trung và dài hạn. Đây là điểm sáng, được nhân dân ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong thời gian qua.

Lấy lại niềm tin

. Chúng ta vừa nói về “điểm sáng”. Nhưng cũng còn đó những vấn đề cần giải quyết một cách căn cơ. Chẳng hạn như thúc đẩy, kiện toàn, hoàn thiện thị trường chứng khoán?

+ Đúng là thị trường chứng khoán (TTCK) năm qua trải có nhiều biến động do các “dư chấn” khó lường, ngoài tầm dự báo đến từ cả quốc tế và trong nước. Và có thể nói, TTCK năm 2022 đã “vượt khó thành công”. 22 năm, TTCK Việt Nam có thể nói là còn rất trẻ nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn trụ vững trước khó khăn, hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt.

Đương nhiên, TTCK còn nhiều vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, thay đổi để hoàn thiện nhưng tôi khẳng định, TTCK Việt Nam vẫn đang phát triển, sẽ ngày càng ổn định, lành mạnh, bền vững hơn. Những sai phạm, vi phạm trên TTCK năm qua có thể đã ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng và nhà đầu tư.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác số 6 của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hồi tháng 8-2022.

Tuy nhiên, dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, như tôi từng khẳng định: việc “gạn đục, khơi trong” luôn cần thiết để thị trường phát triển ngày càng minh bạch, lành mạnh, công bằng.

. Một lĩnh vực khác cũng đáng chú ý là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ. Chúng ta thấy Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái, giải pháp, nhưng đỉnh “rủi ro” của TPDN riêng lẻ vẫn chưa qua...

+ Cần khẳng định: Thị trường TPDN là một cấu phần quan trọng, có mối quan hệ liên thông với các thị trường khác và không thể thiếu đối với mọi thị trường tài chính. Chẳng hạn chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá và trách nhiệm của hệ thống ngân hàng.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các giải pháp để phát triển có hiệu quả thị trường TPDN, bao gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Vì TPDN vẫn là một kênh huy động vốn quan trọng cho DN, là công cụ quan trọng để huy động nguồn lực tài chính từ dân cư để thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển.

Thực tế, những rủi ro trên thị trường TPDN riêng lẻ đã có manh nha trước năm 2022. Bộ Tài chính đã nhận diện và liên tục đưa ra cảnh báo từ khá sớm đối với các DN phát hành và nhà đầu tư tham gia; đồng thời, cũng đã có chỉ đạo từ rất sớm yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ tăng cường các giải pháp giám sát, thanh kiểm tra, cũng như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền.

Việc phải xử lý các sai phạm trên thị trường TPDN riêng lẻ là điều không ai mong muốn nhưng lại cần thiết để tăng cường kỷ cương, kỷ luật và tăng chất lượng phát triển cho thị trường này.

Có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận: đó là cùng với các khó khăn về thanh khoản dòng tiền, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường TPDN riêng lẻ suy giảm mạnh trước các vụ việc sai phạm bị xử lý và tin đồn thất thiệt. Hiện tượng bán tháo hoặc ồ ạt rút tiền của nhà đầu tư đã tạo khó khăn rất lớn cho nhiều DN, thậm chí là cả các DN sản xuất, kinh doanh đang tốt.

. Được biết Bộ Tài chính, theo chỉ thị của Thủ tướng, đang gấp rút trình Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022 về quản lý TPDN

+ Thực ra, những quy định tại Nghị định 65 là đúng đắn, nhưng trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, tinh thần sửa đổi của Nghị định mới là giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường này. Dài hơi hơn, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng rà soát các quy định liên quan và trao đổi với các bộ, ngành chức năng khác để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về DN và tiền tệ ngân hàng… Đồng thời, tham mưu giải pháp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với thực tại thị trường.

Đoàn công tác đi thị sát dự án để tháo gỡ việc giải ngân vốn đầu tư công

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán… liên quan tới thị trường này. Mặt khác, tăng cường sự phối hợp đối với các bộ, ngành liên quan để thống nhất về giải pháp hỗ trợ thị trường TPDN riêng lẻ phát triển đồng bộ, lành mạnh, đúng định hướng.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các DN phát hành chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trái phiếu và công bố thông tin minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Ngoài ra, như đã chia sẻ ở trên, cần lấy lại niềm tin đối với TPDN riêng lẻ. Vì thế tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đào tạo để nhà đầu tư hiểu biết sâu trước khi tham gia thị trường này, tránh tâm lý tẩy chay, kỳ thị TPDN.

Đồng thời, tôi cho rằng cần tăng cường và phát huy vai trò của NHNN và các cơ quan quản lý khác, đặc biệt tập trung nguồn lực để DN phát triển, góp phần nâng cao năng lực của nền kinh tế.

Chất lượng, bền vững hơn

. Thưa Bộ trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng lớn. Theo Bộ trưởng, chúng ta có cơ sở để khẳng định điều này không?

+ TTCK Việt Nam đã chứng minh được định hướng chiến lược phát triển TTCK của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn. TTCK còn tiềm năng phát triển rất lớn, có thể đóng góp hiệu quả hơn nữa cho nền kinh tế nước nhà. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm tới sự phát triển triển ổn định, bền vững của TTCK.

Bộ trưởng kiểm tra công tác quy hoạch để giải ngân vốn đầu tư công

Thị trường tài chính nói chung hay TTCK nói riêng đều cơ bản phải trải qua những giai đoạn phát triển theo quy luật thị trường và chúng tôi tin tưởng vào tương lai phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, “hàn thử biểu” của nền kinh tế.

Những khó khăn do COVID-19 gây ra rồi sẽ đi qua và nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn, tăng trưởng chất lượng hơn. Khi DN sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, quy mô hơn thì cần có dòng tiền lưu thông tốt. Cốt lõi của nền kinh tế vẫn là sản xuất kinh doanh phải phát triển, năng lực của DN phải ngày càng nâng cao. Đó cũng chính là điều kiện, động lực cho TTCK phát triển tốt hơn.

Vì vậy, mọi hành động của cơ quan quản lý nhà nước là tạo nền tảng trợ giúp DN, hướng đến DN và người dân để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

. Chúng ta cần làm gì để khơi dậy tiềm năng của TTCK Việt Nam trong những năm tới, thưa Bộ trưởng?

+ Dưới sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng thuộc Bộ sẽ tiếp tục kiên định, chủ động, sáng tạo, nỗ lực, đặt quyết tâm cao nhất để đưa TTCK phát triển chất lượng, bền vững hơn.

Chúng ta cần chung tay tiếp tục xây dựng giải pháp phát triển TTCK để DN thấy được lợi ích, cơ hội niêm yết/đăng ký giao dịch và nhà đầu tư trong, ngoài nước tin tưởng hơn nữa, yên tâm hơn nữa khi đầu tư.

. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

6 giải pháp cho Chứng khoán

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, có thể khái lược về một số giải pháp trọng tâm mà Bộ Tài chính, ngành Chứng khoán sẽ tiến hành năm nay để TTCK phát triển ổn định, chất lượng.

Đối với ngành Chứng khoán và TTCK, Bộ yêu cầu thực hiện 10 chữ: “Đoàn kết – Chủ động – Đổi mới – Hiệu quả - Sáng tạo” trong năm nay và thời gian tới.

Để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng của TTCK Việt Nam thì còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta phải ưu tiên, sắp xếp để triển khai mang lại hiệu quả cao nhất. Riêng năm nay, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị liên quan ưu tiên thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, UBCKNN cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý, nhanh chóng tổng rà soát các văn bản pháp lý để kiện toàn hệ thống quy định pháp luật, đảm bảo cho thị trường vận hành ổn định, thông suốt, an toàn, lành mạnh, bền vững. Xây dựng các kế hoạch, giải pháp đồng bộ, cụ thể để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 khi được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ hai, tiếp tục cơ cấu lại thị trường chứng khoán dựa trên 4 trụ cột gồm: tổ chức thị trường; cơ sở hàng hóa; cơ sở nhà đầu tư; và các tổ chức kinh doanh chứng khoán. UBCKNN và các đơn vị chức năng của Bộ cùng nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để tăng cường chất lượng thông tin tài chính, báo cáo kiểm toán trên thị trường; đồng thời, tăng cường chất lượng dịch vụ, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, … trên thị trường.

Thứ ba, các đơn vị cần tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, giám sát thị trường, cũng như phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của DN và nhà đầu tư trên thị trường. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thành hệ thống CNTT KRX để giao dịch minh bạch, hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát, trong đó, cần nêu rõ thông điệp là hỗ trợ tối đa, đúng pháp luật đối với các tổ chức, nhà đầu tư chân chính nhưng cũng xử lý các sai phạm một cách nghiêm minh, minh bạch, mang tính tiêu biểu để tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thị trường.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tăng cường đào tạo nhà đầu tư; tăng cường công tác đào tạo nhà đầu tư cá nhân, phát triển các nhà đầu tư tổ chức; thúc đẩy hợp tác quốc tế kết hợp với việc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi đảm bảo mục tiêu đề ra.

Thứ sáu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN về thủ tục pháp lý, thị trường, nguồn vốn… để DN phát triển, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các dự án xây dựng, giao thông, điện… hiệu quả.

Đọc thêm