Liên quan đến các danh hiệu tự phong như "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", ngày 12-7, Chánh Văn phòng Bộ - Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thái Bình khẳng định, không có danh xưng nào là "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", đồng thời bày tỏ quan điểm cần rà soát, siết chặt quản lý và kịp thời xử lý những sai phạm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết, Cục NTBD đã yêu cầu phòng chức năng phối hợp với một số địa phương rà soát lại việc cấp phép tổ chức các hoạt động liên quan.
Những danh xưng tự phong, tự nhận rất "kêu" như: "Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam", "Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam…", "Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam"... "Ông hoàng"... đang khiến dư luận bất bình. Bộ VH-TT&DL sẽ siết chặt quản lý và kịp thời xử lý những sai phạm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.
"Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh Việt Nam", một trong những danh hiệu tự xưng.
Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL cũng khẳng định, tổ chức và thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu là một nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức với các nội hàm cũng như quy trình, danh hiệu trao tặng trong các cuộc thi đều phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Việc cấp phép các cuộc thi nhan sắc hiện nay được quy định tại Nghị định 79/2012/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 15/2016/NĐ-CP. Theo đó, cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc mỗi năm không tổ chức quá hai lần, cuộc thi người đẹp vùng, ngành, đoàn thể Trung ương mỗi năm tổ chức không quá ba lần và thi người đẹp cấp tỉnh mỗi năm tổ chức không quá một lần. Các cuộc thi này đều phải được cấp phép theo quy định.
Các nghị định cũng quy định rõ cuộc thi người đẹp quốc tế tổ chức tại Việt Nam sẽ do Bộ VH-TT&DL cấp phép; thi người đẹp có quy mô vùng, ngành, đoàn thể Trung ương do Cục NTBD cấp phép; thi người đẹp ở các địa phương do UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp phép. Đề án tổ chức cuộc thi phải nêu rõ tên gọi, mục đích, ý nghĩa, thể lệ cuộc thi; nội dung, trình tự tổ chức, thời gian và địa điểm tổ chức thi; danh hiệu, cơ cấu giải thưởng, giá trị giải thưởng, thời gian trao giải...
Ông Nguyễn Thái Bình cũng cho rằng, hiện nay, có tình trạng một số đơn vị tùy tiện tổ chức tôn vinh, trao các danh hiệu, danh xưng cho nhóm đối tượng háo danh, sử dụng danh hiệu, danh xưng tự phong, tự nhận cho các mục đích cá nhân, không loại trừ mục đích thu lợi bất chính.
Lợi dụng việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật để trá hình thực hiện những hoạt động này, hậu quả đã tạo ra có những danh xưng, danh hiệu không phù hợp, thậm chí lố bịch gây sự bức xúc trong đời sống xã hội. Bộ VH-TT&DL sẽ tích cực chỉ đạo các địa phương xử lý những vụ việc như trên và mong muốn sự đồng thuận của người dân và các cơ quan chức năng để xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân liên quan.