Gửi thông tin đến Pháp Luật TP.HCM, chị PTA (ngụ phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết vừa qua khi đi đăng ký mã định danh điện tử mức độ 2, chị phát hiện địa chỉ thường trú của mình trên dữ liệu của cơ quan công an bị sai. Sau đó, chị phải mất thời gian điều chỉnh lại.
Bỗng dưng bị thay đổi nơi thường trú
Chị A cho biết chị sinh ra và lớn lên cùng gia đình tại tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1995, gia đình chị chuyển về thường trú ở xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Đến năm 2017, chị kết hôn và chuyển khẩu về nhà chồng tại thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng.
Năm 2018, chị A đăng ký khai sinh và nhập khẩu cho con chị cũng tại địa chỉ ở thị trấn Cát Tiên. Năm 2021, chị được cấp CCCD gắn chip với thông tin địa chỉ thường trú vẫn ở thị trấn Cát Tiên.
Tuy nhiên, đến tháng 5-2023, khi chị đi đăng ký mã định danh điện tử mức độ 2 trên ứng dụng VNeID thì thấy sai thông tin nơi thường trú.
Cụ thể, địa chỉ thường trú của chị từ thị trấn Cát Tiên đổi thành xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Đây là địa chỉ mà chị chưa hề đăng ký thường trú hay sinh sống.
Sau đó, chị liên hệ Công an thị trấn Cát Tiên để yêu cầu điều chỉnh thông tin đúng với thực tế. Công an thị trấn yêu cầu chị nộp giấy chứng nhận kết hôn.
|
Chị A đang kiểm tra thông tin cư trú trên ứng dụng VNeID. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Chị A cho biết theo hướng dẫn của Công an thị trấn Cát Tiên, chị có nhờ người nhà đến nộp ba loại giấy tờ gồm các bản sao y giấy chứng nhận kết hôn, CCCD của chị và giấy khai sinh của con chị với mong muốn điều chỉnh thông tin. Tuy nhiên, Công an thị trấn Cát Tiên lại yêu cầu người nhà của chị phải khai tiếp tờ khai thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu giống như làm thủ tục nhập khẩu lại. Đồng thời còn yêu cầu người nhà của chị phải viết thêm bảng cam kết là trước giờ không ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Sau khi tiếp nhận xong, công an thị trấn cho biết sẽ xem xét, giải quyết sau.
Chị A chia sẻ: “Việc sai thông tin trên cơ sở dữ liệu không phải do lỗi của người dân nhưng lại yêu cầu người dân làm các thủ tục nhập khẩu lại. Ngoài ra, sau khi tiếp nhận cũng không được hẹn ngày trả kết quả. Tôi cũng không biết vụ việc của tôi phải chờ đến bao giờ, trong khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa tôi sinh con. Nếu việc điều chỉnh thông tin không được giải quyết sớm thì thủ tục làm giấy khai sinh cho con tôi sẽ bị ảnh hưởng đến quyền lợi của bé. Rất mong cơ quan công an sớm giải quyết điều chỉnh lại thông tin cho trường hợp của tôi”.
Công an đã hỗ trợ giải quyết
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) cho biết sau khi tiếp nhận vụ việc của chị A và qua kiểm tra thì trường hợp của chị A có hai mã số định danh đều ở tỉnh Bình Dương. Năm 2017, chị A nhập khẩu ở thị trấn Cát Tiên và làm CCCD tại đây. Tuy nhiên, lúc ấy dữ liệu của địa phương chưa được đồng bộ với dữ liệu dân cư quốc gia, vì thế CCCD của chị A được cấp bình thường.
Thời gian sau này, khi dữ liệu dân cư quốc gia được đồng bộ thì theo dữ liệu của chị A thể hiện nơi thường trú ở tỉnh Bình Dương. Khi nắm thông tin, Công an thị trấn Cát Tiên có hướng dẫn gia đình chị A làm thủ tục cắt khẩu về huyện Cát Tiên. Để nhập khẩu về huyện Cát Tiên, chị A chỉ cần giấy đăng ký kết hôn và có chủ hộ, chủ nhà đồng ý là có thể giải quyết.
“Có thể trong quá trình đăng ký tạm trú ở TP Thủ Đức, chị A có khai địa chỉ khai sinh là ở Bình Dương nên nhầm lẫn ở khâu này” - lãnh đạo Công an thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) lý giải.
Cũng theo vị lãnh đạo này, công an thị trấn mới nhận được phiếu chuyển thông tin của chị A từ Công an tỉnh Bình Dương chuyển đến. Công an thị trấn sẽ giải quyết trường hợp của chị A trong thời gian sớm nhất và đúng với quy định pháp luật.
Đến trưa 20-6, chị A kiểm tra trên hệ thống dữ liệu thì ứng dụng VNeID hiển thị thông tin cư trú đã cập nhật địa chỉ thường trú của các thành viên trong hộ gia đình chị đúng với thực tế là ở thị trấn Cát Tiên.
Điều kiện đăng ký thường trú
Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiệnđăng ký thường trú. Cụ thể, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng…
Trường hợp công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó; bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.
Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM