Tương lai của bà Grace vẫn đang là dấu hỏi lớn sau khi tham vọng chính trị ngỡ như sắp đạt được của bà sụp đổ cùng tuyên bố từ chức của cựu Tổng thống Mugabe ngày 21-11.
Tiêu tiền như nước
Bà Grace, 52 tuổi, từng là thư ký của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe khi chuyện tình vụng trộm của hai người bắt đầu vào năm 1987, lúc đệ nhất phu nhân Sally Mugabe đương nhiệm đang bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Bà Sally mất vào năm 1992, lúc này ông Mugabe và bà Grace đã bí mật có hai người con. Bốn năm sau đó, Tổng thống Mugabe kết hôn với nữ thư ký kém 45 tuổi trong một “đám cưới thế kỷ” có sự tham gia của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Bà Grace là đệ nhất phu nhân nổi tiếng với thói quen vung tiền mua sắm hàng hiệu và những chuyến du lịch quốc tế sang trọng. Được mệnh danh là “Gucci Grace”, “Đệ nhất mua sắm”…, số tiền bà chi cho các sản phẩm đắt đỏ đã lên tới hơn 2,6 triệu USD/năm. Thậm chí trong một lần mua sắm ở Paris năm 2002, bà đã chi đến 158.000 USD.
Đệ nhất phu nhân Zimbabwe cũng bị nghi sở hữu những bộ sưu tập giày hiệu, nhiều ngôi nhà sang trọng trên khắp thế giới. Có năm bà có thể mua 12 chiếc nhẫn kim cương, 62 đôi giày Ferragamo, một đồng hồ Rolex 105.000 USD và gần đây đã trả 400.000 USD cho một chiếc Rolls-Royce. Và đám cưới con gái duy nhất nhà Mugabe đã diễn ra với chi phí 4 triệu USD, bao gồm 660.000 USD cho việc… sửa đường dẫn đến địa điểm tổ chức hôn lễ với khoảng 4.000 khách mời.
Ngoài việc tiêu tiền như nước, Gucci Grace còn nổi tiếng vì tính khí nóng nảy và hành xử độc đoán. Hồi tháng 8, bà trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi đánh nữ người mẫu 20 tuổi Gabriella Engels lúc cô này đang đi cùng con trai bà ở Nam Phi. Bà Grace cũng bị chỉ trích vì được trao bằng tiến sĩ chỉ sau… ba tháng theo học tại trường ĐH Zimbabwe, nơi mà Tổng thống Mugabe làm hiệu trưởng. Tuy nhiên, Gucci Grace luôn khẳng định bà không quan tâm đến những gì mọi người nghĩ. “Tôi không quan tâm. Chồng tôi nói dửng dưng là hạnh phúc” - bà Grace tuyên bố.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe. Ảnh: REUTERS
Bà Grace nổi tiếng với thói quen chi tiêu xa hoa và tham vọng chính trị của mình. Ảnh: GETTY IMAGES
Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ là tổng thống Zimbabwe sau khi ông Mugabe từ chức ngày 21-11. Ảnh: AP
Ngoài sở thích tiêu tiền như nước, cựu đệ nhất phu nhân Zimbabwe còn nổi tiếng là người đam mê quyền lực. Theo nhiều nhà quan sát, chính tham vọng của bà là một trong những nguyên nhân khiến sự nghiệp chính trị của Tổng thống Robert Mugabe tan thành mây khói.
Hồi năm 2014, bà là người thúc đẩy việc sa thải bảy bộ trưởng và cả Phó Tổng thống Zimbabwe Joice Mujuru, người kế nhiệm tiềm năng cho ông Mugabe. Cũng năm đó, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch liên đoàn phụ nữ của đảng cầm quyền ZANU-PF và có một ghế trong Bộ Chính trị Zimbabwe. Tại cuộc mít-tinh hồi tháng trước ở Harare, bà không hề che giấu tham vọng chính trị của mình. Bà tuyên bố đã nói với Tổng thống Mugabe hãy để bà kế nhiệm ông. “Hãy giao lại chức vụ cho tôi và tôi sẽ làm tốt, bởi vì tôi là người phù hợp nhất. Tôi có thể làm được những việc tuyệt vời” - bà khẳng định.
Theo CNN, kế hoạch chính trị của Gucci Grace được một nhóm gọi là G40 (gồm các bộ trưởng trẻ tuổi trong chính phủ Zimbabwe) hậu thuẫn. Nhóm này đã bị quân đội Zimbabwe gọi là nhóm “tội phạm hàng đầu” đang vây quanh ông Mugabe cần phải loại bỏ. Cựu Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa được xem là trở ngại cuối cùng mà bà Grace phải “dọn dẹp” để mở đường cho việc kế nhiệm chồng. Tuy nhiên, việc nhà lãnh đạo 93 tuổi của Zimbabwe quyết định sa thải ông Mnangagwa như một giọt nước làm tràn ly, dẫn đến cuộc binh biến buộc ông Mugabe phải từ chức.
“Cuộc khủng hoảng diễn ra là do bà Grace khơi nguồn, bởi vì bà ấy muốn giành lấy quyền lực bằng cách tham mưu cho ông Mugabe loại bỏ quá nhiều người” - ông Shadrack Gutto, chuyên gia của ĐH Nam Phi, nhận định. “Bà ấy đã vượt qua giới hạn và đã làm rất nhiều việc khiến chồng mình phải rời khỏi ngôi vị nhanh hơn”.
Cơ đồ sụp đổ
Theo nhà bình luận về Zimbabwe Geoff Hill, chính mối tình lén lút của bà Grace và Tổng thống Mugabe trong thời gian đệ nhất phu nhân Sally lâm bệnh nặng đã khiến cho bà Grace không được người dân Zimbabwe yêu thích. Trong khi đó, bà Sally được dân tôn sùng như quốc mẫu. Việc tiêu tiền như nước của gia đình Mugabe cũng bị nhiều người chỉ trích, khi mà 70% dân số Zimbabwe đang sống trong cảnh đói nghèo.
Ngày 21-11, ông Robert Mugabe đã gửi thư đến Quốc hội Zimbabwe từ chức tổng thống, chấm dứt 37 năm cầm quyền. Theo Reuters, kế hoạch luận tội ông Mugabe cũng được hủy bỏ. Nguồn tin của CNN cho hay ông Mugabe đã đạt được thỏa thuận từ chức với đảng cầm quyền ZANU-PF và cả quân đội. Theo đó, ông và vợ mình sẽ không bị truy cứu trách nhiệm cũng như được giữ lại tài sản. Người sẽ thay vị trí tổng thống của ông Mugabe được dự đoán là cựu “phó tướng” Mnangagwa. Ông sẽ nhận ghế tổng thống trong vòng 48 giờ tới.
Hiện vẫn chưa rõ bà Grace đang ở đâu giữa những biến động chính trị thời gian qua. Có nguồn tin cho rằng bà đã trốn sang nước láng giềng Namibia, cũng có tin nói bà đang bị quản thúc tại gia cùng ông Mugabe. Trong khi đó theo Daily Mail, bà Grace đang bị luân chuyển giữa các nhà giam trong những căn cứ quân sự trên khắp Zimbabwe nhằm đảm bảo bí mật và thân tín của ông Mugabe tìm cách giải thoát bà. “Bà ấy gây ảnh hưởng xấu tới ông Mugabe khi ông ấy còn nắm quyền và lúc chúng tôi đàm phán về việc từ chức. Bà ấy bị đưa đi để ngăn thông đồng, cũng như cô lập bà ấy ra khỏi chồng càng xa càng tốt” - một quan chức quân đội Zimbabwe cho hay.
Nhà bình luận chính trị Zimbabwe Chris Mutsvangwa cho rằng sự sụp đổ của ông Mugabe “là kết thúc của một chương đau đớn và buồn thảm trong lịch sử một quốc gia trẻ như Zimbabwe, khi nhà lãnh đạo già nua của quốc gia đó phải từ bỏ sự nghiệp vì các băng đảng xung quanh phu nhân của mình”.
Những đệ nhất phu nhân tham vọng Tương tự như bà Grace Mugabe, lịch sử thế giới cũng từng chứng kiến không ít đệ nhất phu nhân làm khuynh đảo chính trường với tham vọng về quyền lực. Đệ nhất phu nhân Isabel Peron, vợ thứ ba của cố Tổng thống Argentina Juan Domingo Peron, từng nổi tiếng khắp thế giới khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của khu vực Mỹ Latinh sau khi chồng bà qua đời. Bà Isabel kết hôn với ông Peron sau khi vợ trước đó của ông là đệ nhất phu nhân nổi danh Evita Peron qua đời. Đến năm 1973, ông Peron lần thứ ba đắc cử tổng thống Argentina và bà Isabel trở thành phó tổng thống nước này. Sau khi ông qua đời vào năm 1974, bà kế nhiệm theo hiến pháp Arghentina. Tuy nhiên, tham vọng chính trị của bà không đạt được kết quả tốt đẹp. Bà bị điều tra vì tham nhũng và cáo buộc dính líu đến các hoạt động giết hại nhiều nhân vật đối lập. Nữ tổng thống Argentina bị quân đội lật đổ và bắt giữ, bị quản chế tại gia và cuối cùng bị trục xuất sang Tây Ban Nha. Đệ nhất phu nhân Marta Sahagun de Fox của cựu Tổng thống Mexico Vincent Fox cũng từng làm chao đảo chính trường nước này khi can dự vào các chính sách quốc gia. Bà cũng tranh cử tổng thống vào năm 2006 để giữ lại chiếc ghế quyền lực cho gia đình. Quyết định này sau đó bị chỉ trích đến mức bà Marta phải tuyên bố không có ý định tham gia chính trường sau khi chồng hết nhiệm kỳ. Một số nhà phân tích còn cho rằng sự ảnh hưởng của bà Marta trong chính phủ đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng lãnh đạo của ông Fox. |