Chỉ mới tuần trước, Đệ nhất phu nhân Zimbabwe Grace Mugabe vẫn nghĩ rằng mình chắc chắn là người kế nhiệm chồng mình. Tuy nhiên, ngày 15-11, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn khi Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, bị quân đội quản thúc tại gia ở thủ đô Harare.
Trong khi một số nguồn tin cho rằng bà đã trốn đến thủ đô Harare, Namibia thì một số người tin rằng bà đã sang tận Singapore hay Malaysia, nơi bà sở hữu rất nhiều tài sản.
Theo LA Times, nguồn cơn dẫn đến khủng hoảng chính trị này xuất phát từ mâu thuẫn giữa bà Grace Mugabe và cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa. Được biết, cả hai đều là người có khả năng kế nhiệm Tổng thống Mugabe. Cuộc tranh đấu giữa họ đã làm chia rẽ đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Yêu nước (ZANU-PF).
Trước đó, Tổng thống Zimbabwe đã quyết định sa thải ông Mnangagwa, sau khi bà Grace cáo buộc những người ủng hộ của Mnangagwa đang lên kế hoạch đảo chính. Việc sa thải này được coi là động thái dọn đường cho đệ nhất phu nhân 52 tuổi lên bậc cao nhất. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó xảy ra khi quân đội giờ đã can thiệp và chiếm quyền kiểm soát đất nước.
Grace Mugabe là ai
Grace Marufu sinh năm 1965 ở Benoni, một thị trấn ở miền bắc Nam Phi và đến Zimbabwe sống khi 5 tuổi. Khi ngoài 20 tuổi, bà kết hôn với phi công không quân Stanley Goreraza và có con trai Russell.
Đám cưới của Tổng thống Mugabe và Grace được xem là đám cưới xa xỉ nhất thời đó. Ảnh:Sky
Bà Grace, được biết từng là một người bán thịt gà. Bà bắt đầu mối quan hệ với Tổng thống Mugabe khi bà làm công việc đánh máy tại Tòa nhà Nhà nước Zimbabwe. Ông Mugabe, hơn bà Grace 41 tuổi, đã tán tỉnh bà trong giờ nghỉ giữa các cuộc họp.
Cả hai bắt đầu có mối quan hệ lén lút từ năm 1987 và có với nhau hai người con trước khi vợ cả của ông Mugabe qua đời năm 1992. Bốn năm sau ngày vợ cũ mất, ông Mugabe và bà Grace chính thức kết hôn. Đám cưới xa xỉ của họ diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Đến nay, họ đã có 3 người con.
"Gucci Grace"
Bà Grace nổi tiếng với thói quen mua sắm hàng hiệu và chi rất nhiều tiền cho các chuyến đi du lịch nước ngoài. Bà được cho là đã chi ít nhất 100.000 USD khi tới thủ đô Paris, Pháp để mua sắm trong một ngày. Bà cũng mua nhà cho các con trai ở Dubai và Nam Phi. Đổ 3,9 triệu USD (gần 90 tỷ đồng) vào đám cưới con gái năm 2014.
Bà sở hữu những ngôi nhà sang trọng trên khắp thế giới, 12 chiếc nhẫn kim cương, 62 đôi giày Ferragamo, một đồng hồ Rolex 105.000 USD (khoảng 2,4 tỷ đồng) và gần đây đã trả 400.000 USD (gần 9 tỷ đồng) cho một chiếc Rolls-Royce.
Công chúng đã được gắn cho bà Grace những biệt danh như “Gucci Grace” hay “Đệ nhất Mua sắm” nhằm ám chỉ phong cách tiêu tiền hoang phí của bà trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bà Grace cũng tuyên bố bà không quan tâm tới điều tiếng dư luận cũng như cách mọi người nghĩ về bà.
Hiện giờ, nhà Mugabe được cho là sở hữu tài sản trị giá hàng tỷ USD trên khắp thế giới. Ảnh: Reuters
Hiện giờ, nhà Mugabe được cho là sở hữu tài sản trị giá hàng tỷ USD trên khắp thế giới, bao gồm ở Malaysia và Hong Kong, cũng như các vùng đất nông nghiệp sinh lợi ở Zimbabwe.
Có nhiều tuyên bố cho rằng tiền để phục vụ lối sống của gia đình Mugabe lấy từ những mỏ kim cương của nước này. Các mỏ này có trị giá khoảng 1.000 tỷ USD, nhưng cho đến nay người dân Zimbabwe không được hưởng chút lợi nào.
Trong khi đó, những người ủng hộ bà Grace cho rằng bà bị hiểu nhầm và đang bị đối xử bất công. Họ ngưỡng mộ sự ủng hộ mạnh mẽ của bà đối với chồng. Họ khen ngợi lòng từ thiện, việc bà thành lập một trại mồ côi và họ mô tả bà là một nữ doanh nhân giỏi. Ngoài ra, bà cũng trau dồi kiến thức và được cấp bằng Tiến sĩ tâm lý học tại Đại học Zimbabwe, nơi chồng bà làm hiệu trưởng, sau 3 tháng theo học.
Tính khí nóng nảy
Ngoài một số tính cách không mấy được lòng người dân, bà Grace còn nổi tiếng hành xử độc đoán và dễ dàng nóng giận.
Năm 2009, bà ra lệnh cho vệ sĩ đấm phóng viên ảnh Richard Jones bên ngoài một khách sạn sang trọng ở Hong Kong, nơi con gái bà đang du học. Bà Grace sau đó cũng tham gia vụ ẩu đả, đấm vào Jones khiến mặt anh này có vết cắt do chiếc nhẫn kim cương của bà gây ra.
Ngoài một số tính cách không mấy được lòng người dân, bà Grace còn nổi tiếng hành xử độc đoán và dễ dàng nóng giận. Ảnh:AP
Bà lại trở thành tâm điểm chú ý khi vào tháng 8, bà tấn công người mẫu Gabriella Engels, 20 tuổi, khi cô này đang đi cùng con trai bà ở Nam Phi. Bà Grace đã lấy một sợi dây điện để đánh vào người Engels. Đệ nhất phu nhân Zimbabwe sau đó tiếp tục được hưởng miễn trừ ngoại giao.
Hồi đầu tháng này, truyền thông nhà nước Zimbabwe đưa tin rằng bốn người đã bị bắt sau khi la ó trong cuộc mít tinh của đệ nhất phu nhân.
Tham vọng quyền lực
Ngoài sở thích tiêu tiền như nước, Đệ nhất phu nhân Zimbabwe còn nổi tiếng là người đam mê quyền lực. Năm 2014, bà là người dẫn đầu việc sa thải Joice Mujuru - phó Tổng thống và là người kế nhiệm tiềm năng cho vị trí Tổng thống Zimbabwe. Cũng trong năm đó, bà Grace Mugabe được bổ nhiệm làm chủ tịch liên đoàn phụ nữ của đảng cầm quyền.Vị trí này khiến cho bà có một ghế trong Bộ Chính trị của ZANU-PF.
Bà Grace tổ chức nhiều cuộc mít tinh tại các tỉnh của Zimbabwe, với những bài diễn thuyết công kích các đối thủ của chồng mình và khéo léo chứng tỏ mình là người kế nhiệm phù hợp. Tại một cuộc mít tinh, bà nói: "Họ muốn tôi trở thành tổng thống, tại sao không? Tôi không phải là người Zimbabwe à?".
Bà Grace chưa bào giờ phủ nhận rằng mình có tham vọng trở thành Tổng thống Zimbabwe. Ảnh: AFP
Năm 2015, bà thậm chí còn tuyên bố trước công chúng rằng ngay cả khi Tổng thống Mugabe không đứng được do sức khỏe yếu, bà cũng sẽ đặt chồng lên xe lăn để ông có thể tái tranh cử.
Gần đây, bà Grace công khai “đối đầu” Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa - người từng được coi là nhân vật thân cận của Tổng thống Mugabe nhưng hiện giờ là đối thủ “nặng ký” của bà Grace trong cuộc chạy đua trở thành tổng thống tiếp theo của quốc gia này. Bà được cho là đã tác động tới chồng để Tổng thống Mugabe sa thải ông Mnangagwa.
Tuy nhiên, với sự can thiệp của quân đội vào tuần này, số phận của bà và chồng bà hiện là điều chưa rõ ràng.