Hồi đấy có người trách bầu Đức và đối tác của mình “quá đà” với sản phẩm “ăn theo” U-19 và chờ đợi sức hút của sản phẩm này. Chính những nhà làm bóng đá khi ấy cũng thừa nhận làm gì mà có gắn U-19 vào thì chắc chắn sẽ thành công lớn. Điển hình như giải U-21 quốc tế, chỉ với cái tên U-19 chen chân với các đội U-21 quốc gia là lập tức vỡ sân. Hay như Cúp NutiFood lần lượt được tổ chức trên sân Thống Nhất lẫn sân Mỹ Đình đều tạo sức hút lớn và luôn cháy vé với lứa U-19 năm đấy.
Cũng với lứa U-19 ấy, những nhà điều hành bóng đá Việt Nam từng “ăn theo” và tiếp thị hình ảnh cho mình không ít. Điển hình ngày khai mạc Cúp Tứ hùng NutiFood trên sân Thống Nhất cũng là thời điểm ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII, ông chủ tịch VFF đã tuyên bố lứa U-19 này sẽ là rường cột của bóng đá Việt Nam và sẽ đoạt vé tham dự World Cup trong tương lai gần.
Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn được tuyển chọn từ thành phần của nhiều CLB và đang phát triển tốt. Ảnh: XUÂN HUY
Hiện tượng U-19 đã tồn tại trong bóng đá Việt Nam từ nhiều năm, bắt đầu từ lứa cầu thủ HA Gia Lai - Arsenal JMG. Dù lứa cầu thủ đấy không thu hoạch thành tích như lứa U-19 hiện nay dưới tay HLV Hoàng Anh Tuấn nhưng rõ ràng sức hút về mặt truyền thông của lứa cầu thủ này rất lớn, đặc biệt là việc xây dựng hình ảnh của những cá nhân được xem là “hot boy” trong thành phần đội bóng. Bằng chứng là những nhà tổ chức giải trẻ muốn thành công đều thuyết phục bầu Đức cho đám trẻ tham dự, dù chỉ với cái tên HA Gia Lai và chữ NutiFood trước ngực, đá với các đội trẻ U-21 các quốc gia. Hay những nhà làm kinh tế ở Nhật Bản, Hàn Quốc... đã biết tìm đến chủ quản của các cầu thủ dạng “hot boy” để thương thảo những hợp đồng thương mại.
Sức hút của U-19 ba năm trước mạnh đến lúc có khi yếu tố chuyên môn bị “áp đặt” bởi sự “thần tượng quá mức”. Chẳng hạn như cách làm của HLV Guillaume Graechen theo kiểu “luyện gà nòi” nhiều hơn là tạo dựng một tập thể như những chiến binh thì vẫn được ca ngợi là đúng hướng. Bất kể đây là cách làm phục vụ cho việc tìm tài năng cho lò Arsenal để nhắm đến các bản hợp đồng đắt giá.
Cho đến khi lứa U-19 đấy tham dự V-League thì chính người trong cuộc như bầu Đức mới vỡ lẽ sự khác nhau giữa một tập thể giàu sức chiến đấu, mạnh mẽ như những chiến binh với một tập thể chỉ chăm chăm vào đá đẹp.
Với lứa U-19 Việt Nam hiện nay dưới bàn tay của HLV Hoàng Anh Tuấn thì ngược lại. Họ không trưởng thành từ nền tảng của một lò bóng đá mà là sự tuyển chọn từ V-League, từ giải hạng Nhất, từ các giải trẻ và được huấn luyện để trở thành những chiến binh thực thụ.
Đã có nhiều phân tích về thành công của hai lứa U-19 cách nhau ba năm và đã có những so sánh. Nếu đặt sự yêu thích cái đẹp và sự tác động của truyền thông sang một bên và chỉ so sánh vào tính hiệu quả của một tập thể theo kiểu là một đội bóng hội đủ yếu tố thể hình, sức mạnh và một tinh thần thi đấu quả cảm, quyết liệt cần có thì lứa U-19 Việt Nam hiện nay được đánh giá cao hơn. Có lúc họ bị chê trách là thi đấu quá cứng và có chút bạo lực nhưng cần hiểu rằng đó là sự thể hiện sức mạnh cho phép khi đối đầu với những đối thủ giàu sức mạnh.
Phải thừa nhận xem để thích thì lứa nhà bầu Đức tạo sự thích thú hơn nhưng xem để đánh giá về một tập thể trưởng thành thì lứa U-19 của HLV Hoàng Anh Tuấn tạo ra nhiều điểm nhấn hơn.
Với lứa U-19 như hiện nay đã tạo những tiếng vang nhất định thì rõ ràng là bóng đá Việt Nam đã có “bột”. Chất “bột” đấy không lệ thuộc quá nhiều vào một CLB mà trải đều ở nhiều lò đào tạo, với nhiều đặc điểm riêng biệt. Còn lại là làm thế nào để “gột nên hồ”. Điều mà lâu nay bóng đá Việt Nam đã đánh mất rất nhiều thế hệ tài năng bởi không phát triển được sau những thành công nhất định ở cấp độ trẻ.
Đấy lại thuộc về vấn đề khác. Vấn đề của công tác chiến lược và phát triển hậu U-19.