Bên cạnh những dự án có “bảo chứng” sạch, hiện nay nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch tại các TP cũng mọc lên như nấm khiến người tiêu dùng một lần nữa như đứng giữa ngã ba đường.
Trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini mart. Tuy nhiên, người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa thể an tâm khi sản phẩm chỉ được quấn trong màng bọc thực phẩm, không có gì bảo chứng, không có thông tin của cơ sở sản xuất...
Sạch thật, sạch giả... lẫn lộn
Cửa hàng vườn rau quả A.T (quận 10, TP.HCM) nổi bật với bảng hiệu cung cấp rau củ quả trái cây sạch, an toàn. Trên danh thiếp ghi “100% hữu cơ đạt tiêu chuẩn GlobaGap, VietGap”. Tuy nhiên, những gói cà chua, bông cải trắng, cà rốt... được gói trong lớp màng bọc thực phẩm, không có thông tin nhà cung cấp…
Chúng tôi hỏi thăm về sản phẩm thì người bán khẳng định “toàn bộ rau củ bán ở đây là hữu cơ hết”! Chúng tôi hỏi có giấy chứng nhận gì không? Nhân viên bán hàng nói trớ là “sáng giờ bận, giao hàng không kịp nên chưa có dán vào. Mua về sử dụng sẽ cảm nhận được thôi!”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (quận Tân Phú) cho biết chị thường ghé đến cửa hàng C.C Mart (quận Tân Phú) thấy các quầy kệ cũng chất đầy rau củ nhìn bắt mắt, sản phẩm đóng gói nhìn khá yên tâm, chị không phân biệt rau thường và rau VietGap, cứ mua thôi. Chị chỉ băn khoăn về giá.
Tại cửa hàng Vinmart+ đường Âu Cơ (quận Tân Phú), nhiều loại rau củ được dán nhãn VinEco với thông tin sản phẩm đạt chứng chỉ VietGap, vận hành theo tiêu chuẩn GlobalGap. Sản phẩm có số tiêu chuẩn, có ghi rõ xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra trên bao gói còn có thêm thông tin ngày đóng gói và số lô của sản phẩm.
Trong các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Big C cũng có rau củ quả ghi nhãn VietGap. Ví dụ ở Big C, sản phẩm đóng gói bao bì VietGap chiếm số lượng ít như bầu, khổ qua, dưa leo...
Rau VietGap chiếm 20% lượng rau củ quả tại Big C. Ảnh: T.Tuyên
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết rau VietGap chiếm 20% trong tổng lượng rau củ quả tại Big C vì giá khá cao. Các rau củ nào không có đóng gói bao bì là hàng Đà Lạt. Tuy nhiên, hàng Đà Lạt cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của cơ quan chức năng và kiểm soát của siêu thị mới được vào.
Ông Nguyên cho biết việc đưa rau VietGap vào siêu thị là để đáp ứng nhu cầu của NTD, muốn mua rau có các dấu chứng nhận sạch, an toàn để yên tâm hơn.
Hàng “nhà trồng”: Chẳng biết tin ai
Chị Vân Phương (quận Tân Phú, TP.HCM) có con nhỏ nên muốn mua rau hữu cơ cho con ăn. Chị được bạn bè giới thiệu một trang web bán rau củ quả hữu cơ ở quận 7. Chị liền đặt hàng cải bó xôi, tần ô, hành lá, nấm, su su với giá đắt gấp ba lần giá rau củ trong siêu thị Co.op. Lúc nhận hàng, chị rất thất vọng khi thấy hàng được bao trong màng bọc nylon, không hề có nhãn mác nào chứng nhận hữu cơ, cũng không rõ địa chỉ sản xuất. Chị gọi điện thoại phản ứng thì được bên bán giải thích đây là hàng nhà trồng, đúng theo hữu cơ nhưng không có chứng nhận. Chị Phương tức giận: “Nói kiểu đó thì sao mà tin được”. Từ đó chị bỏ hẳn “rau hữu cơ”, chỉ chọn mua các loại rau có dấu VietGap bán trong các siêu thị.
Nói VietGap chứ nhìn rau gì mà mướt rượt, lá to đùng, cọng dài thòng... dễ sinh nghi quá! Nhưng không biết tin vào đâu cả nên thôi, có chữ VietGap cũng đỡ. Dạo gần đây chị đến Vinmart, thấy rau có nhãn VinEco cũng đạt chuẩn VietGap, rau có cọng ngắn, lá nhỏ hơn nên chị cảm thấy thích hơn nên thường chọn mua rau ở đây. Ngoài nhãn VinEco, trong siêu thị này cũng có nhiều loại rau củ quả khác không dán nhãn VinEco thì tôi không chọn, chị Phương cho biết.
Chị Nguyên Hạnh (quận 12) cho biết trước đây chị hay mua “hàng nhà làm”. Cứ có bạn bè, người quen giới thiệu mực ghim người nhà đánh bắt ngoài Phan Thiết chở vô còn dư một ít đem bán, cá này câu dưới quê đem lên hằng tuần, cà phê sạch nguyên chất nhà trồng trên Đắk Lắk đem xuống Sài Gòn bán, mật ong nhà hàng xóm nuôi... Đặt mua một thời gian thì chị Hạnh phát hiện mực ghim đóng gói y như một số cửa hàng hải sản đóng gói, cá câu nhưng muốn mua bao nhiêu cũng có, còn cà phê thì pha ra không khác gì hương vị cà phê ngoài tiệm, “trừ là chính người nhà mình ở quê sản xuất ra và bán cho mình chứ giới thiệu lòng vòng thì tôi cũng không tin nữa” - chị Hạnh chua xót nói.
Chị Thu Hương (quận 2) có mẹ ở Lâm Đồng, thường gửi rau đóng thùng xuống cho nhà chị ăn, luôn dặn “con đừng mua rau ngoài”. Biết thế, nhiều bạn bè “ké” theo, xin mua rau này về ăn cho “lành”. Muốn giúp bạn bè lắm nhưng chị Hương đành từ chối vì số rau đấy có khi vẫn không đủ dùng cho cả nhà chị ở Sài Gòn, lấy đâu ra nhiều mà bán! Khi dư một ít thì chị mang đổi với cá, thịt của bạn bè thân. Chị có một hội bạn thân, chia nhau nông sản thực phẩm sạch do “hậu phương” ở quê gửi vào, nào rau, nào cá, nào thịt... và cũng chỉ đủ dùng trong hội chứ không có dư để bán ra ngoài.
Có thể “chêm” hàng thường vào Thị trường hiện nay mọc lên nhiều cửa hàng bán thực phẩm VietGap, rau hữu cơ nhưng vẫn có sản phẩm không có nhiều thông tin để bảo chứng. Vậy làm sao NTD phân biệt để chọn mua. TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả miền Nam, chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường có hai dạng rau củ quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap/GlobalGap và sản xuất theo truyền thống. Thông thường, sản phẩm rau củ quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap/ GlobalGap đều được các cơ sở sản xuất đóng gói với đầy đủ thông tin trên bao bì để NTD dễ dàng nhận biết trước khi “tung ra” thị trường. Tuy nhiên, không phải tất cả HTX, cơ sở sản xuất rau củ quả đạt chứng nhận đều có thể dễ dàng tiếp cận hay “chen chân” vào hệ thống phân phối và cung ứng sản phẩm đến NTD. Vì vậy họ phải bán sản phẩm của mình cho các thương lái thu gom với giá bằng với sản xuất truyền thống nên giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. “Vấn đề ở đây là có một số ít HTX, cơ sở sản xuất rau củ quả đạt chứng nhận nhưng do không đủ lượng hàng cung ứng nên thỉnh thoảng vẫn “chêm thêm hàng” vào sản phẩm VietGap/ GlobalGap. |