Việc Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT&DL buộc chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc… các công ty lữ hành phải có bằng cấp cao đẳng chuyên ngành lữ hành tiếp tục gây bức xúc.
Ông ĐINH VĂN LỘC, Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Đà-Vietdatravel:
Quá bất hợp lý
Thông tư 06/2017 của Bộ VH-TT-DL quy định người phụ trách kinh doanh dịch vụ điều hành doanh nghiệp (DN) lữ hành phải có một trong các văn bằng: quản trị du lịch và lữ hành, quản trị lữ hành, điều hành tour du lịch, marketing du lịch, du lịch, du lịch và lữ hành, quản lý và kinh doanh du lịch. Nếu bằng cấp không thuộc bảy nhóm ngành trên, các lãnh đạo phải đi học lớp nghiệp vụ du lịch.
Tôi thấy thông tư này có nhiều điều không hợp lý và không thực tế. Bản thân tôi có bằng đại học (ĐH) kinh tế ngành ngoại thương, ĐH ngoại ngữ ngành Anh văn và tôi cũng đã học các lớp bồi dưỡng liên quan đến nghiệp vụ du lịch.
Tôi đã hoạt động trong ngành du lịch từ năm 1998. Không chỉ tôi mà một số anh em khác cũng vậy, họ đã có thâm niên trong hoạt động lữ hành từ mấy chục năm. Nhưng Thông tư 06 bắt buộc lãnh đạo DN phải đi học lớp nghiệp vụ trong thời gian ngắn là quá bất hợp lý.
Theo tôi, đáng lẽ khi ban hành thông tư trên, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch phải chấp nhận và kế thừa bằng cấp trước đó chứ không nên phủ định hết. Chẳng hạn, quy định về bằng cấp mới chỉ nên áp dụng đối với những công ty được cấp phép lữ hành mới, sắp thành lập. Còn với những công ty đã được cấp phép từ năm 2017 trở về trước thì không nên áp dụng, vậy sẽ hợp lý hơn, tránh gây xáo trộn hoạt động của DN.
Bản thân lãnh đạo các công ty sẽ tự đào tạo một cách bài bản nếu không muốn bị đào thải chứ không nên ép họ đi học. Trong ảnh:Sinh viên khoa Du lịch Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đang tham gia khóa học thực tiễn. Ảnh: TU
Ông Trương Đức Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông:
Lãnh đạo doanh nghiệp bỗng nhiên bị truất quyền
Từ năm 1995 tôi đã hoạt động trong ngành du lịch. Lúc đó, những người làm du lịch thường tốt nghiệp các trường như ĐH khoa học xã hội nhân văn, ĐH ngoại ngữ… vì thời điểm này chưa có trường nào đào tạo chuyên về du lịch. Từ năm 1998 mới có trường đào tạo chuyên ngành hướng dẫn viên, văn hóa du lịch…
Chính vì vậy anh em trong ngành phải học thêm, bổ sung kiến thức điều hành du lịch. Ví dụ năm 2005, tôi tham gia khóa học gần 10 tháng lớp “Giám đốc lữ hành” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với khoa Thương mại-Du lịch Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức đào tạo và cấp bằng.
Với bằng giám đốc lữ hành, đương nhiên chúng tôi được điều hành công ty của mình chứ. Nhưng theo Thông tư 06 của Bộ VH-TT&DL, bằng cấp đó cùng với 20 năm trong ngành không còn có giá trị gì, nghĩa là chúng tôi tự nhiên bị tước quyền điều hành hợp pháp của DN.
Tôi cho rằng chỉ vì từ ngữ trên bằng cấp, tên gọi khác nhau mà buộc lãnh đạo DN phải đi học lại với những kiến thức đã nằm lòng mấy chục năm làm nghề là không hợp lý. Đó là chưa kể phải đóng phí, mất thời gian, giáo trình đào tạo không có gì mới. Vậy việc ép DN đi học nghiệp vụ là lý do gì?
Luật nên tạo điều kiện để DN cống hiến cho phát triển ngành du lịch, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế chứ không phải là để gây thêm rắc rối cho người kinh doanh.
Ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc công ty cổ phần du lịch P.S.V Travel, TP.HCM
Bắt người đã biết đọc quay lại học đánh vần
Tôi nhận thấy nếu chiếu theo quy định tại Thông tư 06 thì chỉ có những sinh viên vừa tốt nghiệp có bằng cấp mới được điều hành công ty du lịch. Trong khi những người có kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong nghề lại không được. Tôi thấy rất nghịch lý!
Theo tôi biết, có nhiều lãnh đạo công ty du lịch không tốt nghiệp đúng chuyên ngành du lịch nhưng họ đã tự đi học các lớp như giám đốc điều hành du lịch hay tự bồi dưỡng nghiệp vụ. Đây là những chứng chỉ do các trường của Nhà nước đào tạo, cấp. Thế nên việc ép đi học lại là phủ nhận những gì Nhà nước đã cho phép đào tạo và cấp bằng!
Chưa kể, khi buộc phải đi học lại lớp nghiệp vụ, có khi tôi gặp lại chính sinh viên mà mình từng hướng dẫn thực tập tại công ty của mình. Đặc biệt không ít người vừa là giảng viên trường ĐH vừa là giám đốc công ty du lịch, nay bắt họ đi học lớp nghiệp vụ thì rất khôi hài. Thực tế nhiều người không có bằng cấp nhưng vẫn lãnh đạo thành công các tập đoàn với hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân...
Chúng tôi nhận thấy quy định không khả thi. Bắt mấy ông giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT… đi học lại lớp nghiệp vụ cũng giống như bắt người đã biết đọc, biết viết giỏi quay lại… đánh vần, tập viết vậy.
Nếu buộc phải có bằng cấp ghi đúng câu chữ theo Thông tư 06/2017, chúng tôi lo ngại sẽ có DN hợp thức hóa bằng cách mượn, thuê bằng cấp của người khác. Có nghĩa là DN không muốn làm sai nhưng thông tư này có thể ép DN du lịch phải làm sai.
Chuyên gia du lịch NGUYỄN TUẤN QUYỀN: “Cưỡi ngựa xem hoa, cười ra nước mắt” Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Quyền Khi ban hành Thông tư 06, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch giải thích là họ căn cứ vào các thông tư của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH. Nhưng nghịch lý là thông tư của hai bộ trên ban hành năm 2017 thì ít nhất phải đến năm 2019 hệ cao đẳng và đến năm 2021 hệ ĐH, bằng tốt nghiệp mới có thể ghi đúng theo yêu cầu của Bộ VH-TT&DL. Như vậy, việc đưa ra quy định trên vô hình trung đã tự động xóa sổ bằng cấp của những người đã tốt nghiệp trước năm 2017. Vì thời điểm đó, hệ ĐH chỉ có mã ngành “quản trị” kinh doanh du lịch chứ không có “quản lý” kinh doanh du lịch như yêu cầu tại Thông tư 06/2017. Thay vì chấp nhận điều chỉnh, cơ quan chức năng lại buộc lãnh đạo các công ty du lịch phải đi học lại nghiệp vụ du lịch vì bằng cấp ghi “lệch” chữ chỉ để có chứng chỉ nghiệp vụ đúng với câu chữ của thông tư mới. Như vậy là không thực chất, không cần thiết, lãng phí thời gian và tiền bạc của DN. Tôi cũng cho rằng cần xem xét lại quy định bắt lãnh đạo các công ty du lịch phải đi học lớp nghiệp vụ nếu không có bằng chuyên ngành du lịch theo Thông tư 06. Vì với những người tạm gọi là “ngoại đạo” học những ngành không liên quan du lịch mà phải đi học lại cho thấy nội dung học quá sơ lược kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, chỉ mang ý nghĩa để đủ tiêu chuẩn xin giấy phép. Quả thật quy định này làm người ta “cười ra nước mắt”! Theo tôi biết, nhiều công ty lớn trong ngành du lịch hiện nay hầu hết đều có quá trình phát triển 30-40 năm trở lên. Những cán bộ đeo bám ngành du lịch từ hồi đó giờ này nhiều người làm lãnh đạo. Theo suy nghĩ của tôi, những anh, chị đó cũng không có bằng cấp phù hợp như quy định của Thông tư 06. Thậm chí có những cán bộ sau này đi học ngành du lịch ở nước ngoài về liệu có quy đổi và công nhận bằng cấp của họ không? Trong điều kiện cạnh tranh khá gay gắt trên thị trường du lịch như hiện nay, bản thân lãnh đạo các công ty sẽ tự đào tạo một cách bài bản nếu không muốn bị đào thải chứ đừng dùng biện pháp hành chính để ép buộc. Ông NGUYÊN VĂN TUẤN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch: Sẽ kiến nghị sửa thông tư nhưng… Ông Nguyễn Văn Tuấn Cách đây một tháng, chúng tôi đã phát hiện ra điều này (những bất cập tại Thông tư 06 - PV). Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi có thông báo yêu cầu chấp nhận những người học quản trị kinh doanh du lịch đủ điều kiện để điều hành DN lữ hành. Bên cạnh đó, tới đây chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi thông tư để bổ sung những người học quản trị kinh doanh du lịch cũng đủ điều kiện điều hành DN lữ hành. Đồng thời tiếp tục rà soát xem còn những gì mà qua thực tiễn bộc lộ ra, phải sửa đổi ngay. Việc có những vấn đề này cũng là bình thường. Quan điểm của cơ quan này là vận dụng linh hoạt, không máy móc. Tuy nhiên, những người học ngành nghề khác thì bắt buộc phải qua lớp quản trị về du lịch thì mới đủ điều kiện. Bởi vì điều hành trong lĩnh vực du lịch anh phải có kiến thức về du lịch. VIẾT THỊNH |