Dù là buổi họp báo công khai và được sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Long An, tuy nhiên, các phóng viên được thông báo không được quay phim, chụp ảnh và ghi âm tại suốt buổi họp.
Nhiều ý kiến về tang vật, chứng cứ có vấn đề
Chủ tọa buổi họp báo là ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An. Buổi họp có mặt 31 phóng viên tại các báo, đài.
Mở đầu buổi họp, ông Hùng thông qua một số diễn biến vụ án.
Sau đó, hàng loạt thắc mắc của phóng viên xung quanh các vấn đề chưa sáng tỏ được đưa ra.
Chủ tọa buổi họp báo, ông Hùng (giữa)
Đài Truyền hình Việt Nam đặt câu hỏi các thiếu sót trong quá trình tố tụng sẽ được khắc phục thế nào.
Báo Lao động đưa ra một số vấn đề về tính khách quan của vụ án có được đảm bảo khi luật sư chỉ định trong vụ án này nguyên là lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an tỉnh và Công an huyện Thủ Thừa.
Nếu dấu vân tay không phải của Hải thì là của ai, sao không làm rõ? Việc nhân chứng ra chợ mua dao, thớt để bổ sung vào vụ án là theo yêu cầu của cơ quan điều tra hay nhân chứng tự làm, có đúng quy định pháp luật không?
Một số báo cũng thắc mắc về quy trình tiếp theo sau khi có quyết định hoãn thi hành án tử hình.
Nhiều phóng viên bức xúc với vị chủ tọa vì sao đây là buổi họp báo công khai nhưng không được quay phim chụp ảnh, ghi âm.
Trách nhiệm của Tòa tỉnh chỉ đến đây
Ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh, thông tin hiện các vấn đề mà phóng viên hỏi TAND tỉnh không thể trả lời, tòa cũng không thể đánh giá lại các chứng cứ như yêu cầu của phóng viên vì không còn thuộc thẩm quyền.
Theo ông Hùng, sau phiên xử phúc thẩm, gia đình Hồ Duy Hải đã gửi đơn đến Chủ tịch nước để xin ân xá. Đơn này có nội dung: do bị cha bỏ rơi còn nhỏ, thiếu giáo dục, ăn chơi, phạm tội giết cùng một lúc 2 mạng người nên tỏ ra ăn năn, hối hận. Gia đình bên ngoại có công với cách mạng, xin tha tội chết, để khắc phục thiệt hại.
Nhiều phóng viên bức xúc vì không được tự do tác nghiệp
‘‘Thẩm quyền giải quyết tiếp theo của vụ án này là 2 cơ quan TAND tối cao và VKSND tối cao. Nếu bản thân các phóng viên tự tìm được chứng cứ khác mới hơn thì có thể cung cấp cho 2 cơ quan nói trên, thẩm quyền giải quyết của tòa tỉnh hiện chỉ như vậy’’, ông Hùng nói.
‘‘Ở nơi nào, đâu đó cũng có cái sai’’
Lý giải về trình tự hoãn thi hành án tử hình, ông Hùng nói sau khi có quyết định thi hành án tử hình, theo luật phải báo với gia đình để làm đơn tự nguyện đem thi thể chôn cất. Tuy nhiên, bà Loan (mẹ của Hải) tiếp tục khiếu nại và gửi đơn xin hoãn lại thời gian thi hành án tử hình, trả tự do cho Hải và làm rõ các chứng cứ liên quan.
Tuy nhiên, vấn đế này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa tỉnh. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã yêu cầu TAND Tối cao và VKSND Tối cao tạm hoãn thi hành án. Hoãn chứ không phải không thi hành.
‘‘Có thể ở nơi nào, đâu đó cũng có cái sai. Tuy nhiên, bản án nói trên vẫn là bản án đúng theo trình tự pháp luật quy định. Bản án đã có hiệu lực, tôi không thể làm khác.
Báo chí có nhu cầu cung cấp thông tin thì cung cấp tại tòa, viện tối cao, vì đây là các cơ quan có thẩm quyền duy nhất hiện nay, chậm nhất đến ngày 4-1-2015 theo trình tự giải quyết các khiếu nại của gia đình. Theo đó, thời gian treo án tử chỉ còn 29 ngày nữa", ông Hùng nói.
Ông Hùng (giữa) vội vã ra khỏi phòng khi cuộc họp báo kết thúc