Buồn vì ô tô Việt cứ mãi 'lẽo đẽo' đi sau Thái Lan

“Hiện cả nước có khoảng 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ô tô. Trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung, thân và thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Số lượng này thấp hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan”.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và chính sách, Bộ Tài chính, cho biết như vậy tại hội thảo hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, diễn ra ngày 22-10.

 Việt Nam mới sản xuất được ghế, gương, kính

Theo bà Bình, hiện nay tỉ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô rất thấp (khoảng 20%), với các ngành sản xuất phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kinh, ghế ngồi, bộ dây điện, săm, lốp… Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đạt 56-70%, đặc biệt Thái Lan đạt 80%.

“Như vậy có thể thấy rằng mặc dù có những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, dây chuyền chủ yếu gồm bốn công đoạn là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn…” - bà Nguyễn Thị Hải Bình nhận định.

Thừa nhận so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang quá nhỏ bé, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMT), chỉ ra nguyên nhân do việc sản xuất linh kiện Việt Nam có bất lợi là thị trường nhỏ, thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu, đặc biệt trình độ kỹ thuật sản xuất còn thấp và chủ DN thiếu kinh nghiệm quản trị. Lợi thế trong nước chỉ là nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp.

“Việc không tự sản xuất được hộp số, động cơ, vỏ xe… nên các DN phải nhập khẩu linh kiện với chi phí vận chuyển chiếm hơn 20%-30%. Trong khi đó, nếu một chiếc ô tô lắp ráp ở các nước nội địa hóa như Thái Lan, Indonesia có chi phí vận chuyển 5%. Như vậy, chi phí lắp ráp một ô tô ở Việt Nam không hề rẻ so với xe được nhập khẩu…”, ông Hiếu khẳng định.

Cần có chính sách đột phá

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết hiện nay Việt Nam có chính sách thuế, đất đai và môi trường, hỗ trợ tín dụng đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, tuy nhiên một số chính sách còn hạn chế.

Cụ thể, về chính sách tín dụng, hiện nay các DN FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thường vay vốn từ công ty mẹ, hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ 1%-3%. Trong khi các DN Việt Nam phải vay lãi suất 8%-10%, sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các DN trong nước.

“Mặc dù với lãi suất cao hơn các DN FDI, tuy nhiên các DN Việt Nam cũng không dễ dàng để tiếp cận các khoản vay dài hạn để mở rộng sản xuất, đầu tư tiếp nhận công nghệ mới…” - đơn vị này nhận định.

Theo đó, Cục Công nghiệp đề xuất thời gian tới cần hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỉ đồng, với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.

“Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống đánh giá năng lực DN, dịch vụ tư vấn. Đồng thời, cung cấp thông tin, hỗ trợ ngân hàng trong việc đánh giá, thẩm định cho vay các DN công nghiệp hỗ trợ” - vị đại diện Cục Công nghệ khẳng định.

Ngoài ra, ngành công thương sẽ sửa đổi Nghị định số 134/2016 theo hướng xem xét, áp dụng thuế suất 0% đối với máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá… nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất,  lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất ô tô. Điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng xe ô tô dưới chín chỗ như động cơ, hộp số, áp dụng có thời hạn đến năm 2025.

Kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhận thấy chính sách Việt Nam không tệ nhưng thực thi chính sách rất tệ.

“Từ chính sách đi vào cuộc sống để DN được tiếp cận nhằm hưởng lợi là rất khó, đặc biệt là tư nhân. Như thủ tục để tiếp cận các gói hỗ trợ, tôi thường gọi “chờ được vạ, má đã sưng”, bà Bình nêu quan điểm và đề nghị phải tìm cách giảm các chi phí về thủ tục, tạo điều kiện DN tiếp cận các chính sách của nhà nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, cho rằng hiện nay các chính sách của Việt Nam nhiều nước đã áp dụng, nên không tạo được lợi thế vượt bậc để bắt kịp các nước này.

“Nếu như hiện nay Việt Nam cứ đi sau mãi. Nên chúng ta cần có chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp ô tô. Trong đó, chú trọng đến chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, như hỗ trợ mua khuôn/đồ gá, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu từ linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô” - ông Hiếu đề xuất.

Hiện nay nền công nghiệp ô tô Việt Nam chưa có bước đột phá. Ảnh: V.LONG

 

Trước ý kiến của các DN, Cục Công nghiệp, cho biết tới đây đơn vị sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, theo hướng điều chỉnh phương thức khẩu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất. Thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và quy định định miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất khẩu.

Đối với quy định về ưu đãi thuế thu nhập DN, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển tiếp ưu đãi thuế, trong đó có chuyển tiếp ưu đãi thuế đối với dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, sẽ không tính trị giá linh kiện sản xuất trong nước vào trị giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều chỉnh nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý, không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện và ô tô thân thiện với môi trường.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm