Trao đổi với Pháp Luật TPHCM sáng 5-2, ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp xe buýt nhanh BRT (Tổng Công ty Vận tải Hà Nội) cho biết: “Đối với giá vé tháng, vé liên tuyến, vé miễn giảm đối với các đối tượng ưu tiên (học sinh, sinh viên, công nhân, người từ 60 tuổi trở lên…) đều tương tự như các tuyến buýt thường. Đặc biệt, người đã mua vé tháng buýt thường có thể sử dụng cho buýt nhanh. Hành khách có nhu cầu mua vé tháng có thể đăng ký tại tất cả điểm nhà chờ và hai bến xe Kim Mã, Yên Nghĩa”.
Buýt nhanh BRT chạy thí điểm trên đường phố Hà Nội
Cụ thể, giá vé lượt có giá trị sử dụng trong một lần đi buýt nhanh là 7000 đồng/lượt; giá vé tháng bán cho các đối tượng ưu tiên 1 tuyến là 55.000 đồng/vé/tháng, liên tuyến là 100.000 đồng/vé/tháng; Giá vé tháng cho đối tượng thông thường một tuyến là 100.000 đồng/vé/tháng và liên tuyến là 200.000 đồng/vé/tháng.
Sau hơn 1 tháng chạy thí điểm miễn phí trên toàn tuyến, buýt nhanh BRT đã thu hút gần 34 vạn lượt hành khách.
Theo ông Thủy, sau hơn 1 tháng vận hành thí điểm, hệ thống buýt nhanh đã vận hành khá khớp nối, nhuần nhuyễn và dần định hình là một loại hình vận tải hành khách công cộng văn minh, hiện đại, tiện nghi hơn so với loại hình buýt thường. “Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay của buýt nhanh BRT là đường ưu tiên. Nếu người tham gia giao thông có ý thức hơn, không lấn, chiếm làn đường ưu tiên thì buýt nhanh BRT sẽ vận chuyển nhanh hơn, đúng giờ hơn từ đó thu hút nhiều người dân sử dụng loại hình giao thông này hơn”, ông Thuỷ nói.
Theo Sở GTVT Hà Nội, trong tháng này, các lực lượng chức năng của Hà Nội sẽ tập trung, tuyên truyền nhắc nhở các đối tượng điều khiển các phương tiện đi vào tuyến đường xe buýt nhanh bằng hình thức lắp loa tuyên truyền tại các điểm giao cắt của tuyến buýt nhanh. Đồng thời lực lượng CSGT sẽ xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thống cố tình lấn chiếm làn đường của xe buýt nhanh.