Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng yêu cầu nội dung lễ khai giảng chú trọng tổ chức việc đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian… ) đảm bảo lễ khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường.
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết Hà Nội sẽ tổ chức Lễ khai giảng năm học mới khoa học, ngắn gọn trong khoảng 60 phút.
Trong khi đó, tại TP.HCM, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng thông tin lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 sẽ được tổ chức trang trọng, súc tích, ngắn gọn, có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tươi vui, sinh động nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới.
Trước đó, tại lễ tổng kết năm học 2014-2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gợi ý Bộ GD&ĐT kiên định tổ chức lễ khai giảng trong một ngày thống nhất trên cả nước, vào sáng mùng 4 hoặc 5-9.
“Nếu có thể, vào cùng một thời điểm, tất cả các trường trong toàn quốc thực hiện nghi lễ chào cờ, đọc thư của Chủ tịch nước, sau đó hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn rồi kết thúc phần lễ. Phần sau là ngày hội cho các cháu”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Lý do mà Phó Thủ tướng đưa ra là ngày khai giảng là ngày hội đưa các cháu đến trường. “Từ nhiều năm nay tôi đã dự khai giảng và thấy rằng ngày giờ khai giảng của các trường phụ thuộc vào… lãnh đạo. Thời tiết nắng hay mưa cũng phải xếp hàng mà chờ. Tôi có cố gắng phát biểu nhưng biết bên dưới chẳng mấy học sinh để ý”, ông Đam nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu: “Nhất định không để cảnh các cháu nhỏ phải đứng vẫy cờ nhiêu khê, khổ sở, phải nghe những bài phát biểu mà các cháu không hiểu”.