Các chuyển động lịch sử thế giới 2015

Nếu như năm 2014 người dân thế giới bị sốc bởi dịch Ebola làm hàng chục ngàn người chết; vụ mất tích chuyến bay MH370 và bắn rơi MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines,… thì bước sang 2015, thảm họa dường như vẫn chưa chấm dứt khiến hàng triệu người phải “trả giá đắt”. Trang web worldvision.org đã điểm qua những sự kiện “chết chóc” gây sốc nhất năm 2015.

Thảm họa nhân đạo Syria

Trước hết phải nhắc đến khủng hoảng người tị nạn Syria. Bạo lực giữa các nước đã không cho phép người dân có thể an cư lập nghiệp, trái lại phải di chuyển liên tục. Trẻ em - đối tượng bị tổn thương nhiều nhất - phải sống cùng gia đình chúng trong điều kiện khó khăn, bị buộc phải rời bỏ học đường, sống trong các trại tị nạn tạm bợ, thiếu thốn vật chất, thức ăn, nước sạch. Một cách tổng thể, ba lý do: bạo lực, sự sụp đổ của cơ sở hạ tầng và điều kiện sống; sự thiếu an toàn đối với trẻ em đã khiến người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Cuộc chiến kéo dài suốt hơn bốn năm qua ở Syria đã khiến hơn 4,4 triệu dân phải “bỏ của chạy lấy người”, sang các nước khác tạo nên làn sóng tị nạn khốc liệt. Riêng tại Syria, 6,6 triệu người phải di chuyển liên tục để lánh nạn và cầu mong sự an ổn. Đỉnh điểm là khi bức ảnh cậu bé di cư người Syria Aylan Kurdi, ba tuổi, chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, gây ấn tượng mạnh đến toàn thế giới.

Liên Hiệp Quốc đã quyết định chi hết 7,4 tỉ USD để có thể cung cấp các gói viện trợ nhân đạo cho cuộc khủng hoảng Syria và hiện đã giải ngân hơn một nửa số tiền này. Dù vậy kết thúc năm 2015, thế giới vẫn chưa ghi nhận được các dấu hiệu kết thúc khủng hoảng dai dẳng này. Hơn 13,5 triệu người hiện nay vẫn cần đến hỗ trợ nhân đạo tại Syria. Hầu hết người tị nạn Syria vẫn còn ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Iraq và Ai Cập. Theo ước tính, số người bị ảnh hưởng khủng hoảng nhân đạo từ khủng hoảng Syria lên đến 12 triệu người, cao hơn gấp đôi so với ảnh hưởng của đợt sóng thần lịch sử Tsunami (năm triệu người), động đất Haiti (3,5 triệu người) và bão nhiệt đới Katrina (1,7 triệu người).

Khủng hoảng nhập cư ở châu Âu

Nếu như khủng hoảng Syria khiến một nước nghèo càng nghèo hơn thì châu Âu tuy giàu có nhưng cũng có một năm lao đao vì khoảng 1/3 người tị nạn Syria đã tìm đến vùng đất nổi tiếng thịnh vượng. Bất chấp những con sóng dữ trên vùng địa trung hải, hàng triệu người kéo nhau lên những chiếc thuyền nhỏ và tạm bợ tìm đến châu Âu để tìm kiếm bình an. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho hay tính đến 21-12-2015 đã có 1.006.000 người di cư bằng cả đường bộ lẫn đường biển sang các nước châu Âu, trong đó có đến 942.400 người đã tiến hành việc đăng ký cư ngụ tị nạn.

Hãng BBC vừa công bố biểu đồ lượng di cư sang châu Âu, cụ thể gồm Hy Lạp, Bulgaria, Ý, Tây Ban Nha, Malta và Cộng hòa Síp. Theo đó, hầu hết người tị nạn đến châu Âu bằng đường biển, tuy nhiên vẫn có đến 34.000 người đến châu Âu bằng con đường Thổ Nhĩ Kỳ. Nổi bật nhất là Đức với hơn 315.000 người nộp đơn xin tị nạn nhưng thực tế các quan chức Đức cho biết có đến hơn một triệu người đã đặt chân đến Đức. Bên cạnh Đức thì Hungary, Áo, Ý, Pháp, Anh,… cũng là những nước nhận thêm hàng chục ngàn người nhập cư tị nạn trong năm 2015.

Câu hỏi đặt ra kế tiếp là làn sóng di cư này đến từ đâu? Như đã đề cập, nổi bật nhất là Syria với gần 180.000 người (chưa tính lượng di dân chưa được kiểm soát). Kế đó phải kể đến Afghanistan với khoảng 85.000 người, Kosovo với hơn 60.000 người, Iraq với gần 60.000 người, Albania với khoảng 50.000 người,… Hầu hết họ đến từ các nước có chiến tranh, khủng bố. Trong quá trình di chuyển đến châu Âu xin tị nạn, không ít người gặp nạn và phải bỏ mạng. Theo IOM có đến 3.965 người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách vượt qua bên kia biên giới đất nước họ; hầu hết trong số họ là những người đến từ Bắc Phi (700 người). Các nước EU hao tốn không ít giấy mực tranh cãi về kế hoạch hạn ngạch tiếp nhận người di cư để giảm áp lực. Đã có lúc các bộ trưởng Nội vụ khối EU họp bàn về việc ngưng thực hiện Hiệp ước Tự do đi lại Schengen, liên quan 22 quốc gia EU và bốn nước Đông Âu.

Người tị nạn đến EU tạo ra gánh nặng và mâu thuẫn nội bộ EU. Tuy nhiên, vẫn chưa có các giải pháp an toàn trong dài hạn cho vấn nạn này. Ảnh: IBTIMES 

Khủng bố đẫm máu Paris

Nước Pháp được nhiều cơ quan truyền thông nhắc đến như trung tâm của những vụ khủng bố đẫm máu nhất, tàn bạo nhất trong năm 2015 mà kẻ cầm đầu không ai khác chính là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tờ l’Express (Pháp) bình luận rằng các cuộc tấn công ở Toulouse trong năm 2012, Charlie Hebdo và Hyper Hide đầu năm 2015 và gần đây là Công ty Air Products ở Saint-Quentin-Fallavier là những vụ khủng bố điển hình tại Pháp. Vào năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, nhà khoa học chính trị Jean-Pierre Bayard giải thích rằng nguyên nhân những kẻ khủng bố thích nhắm vào nước Pháp là do các chính sách đối ngoại của nước này. Trong đó phải nhắc đến việc Pháp quyết liệt tấn công IS trên nhiều mặt trận; truy quét hang ổ và tiêu diệt nhiều thủ lĩnh IS.

Hồi tháng 1-2015, Văn phòng Charlie Hebdo, tạp chí đăng tải nhiều tranh biếm về nhà tiên tri đạo Hồi Mohammed, bất ngờ bị hai tay súng IS xông vào tấn công “như phim hành động”. Các tay súng hét lớn đại từ “Allah akbar” (nghĩa là: Đấng tối cao vĩ đại) và tuyên bố thẳng thừng “Chúng ta trả thù cho nhà tiên tri”, rồi ra tay sát hại 12 người, trong đó có một cảnh sát và 10 người bị giết theo kiểu hành quyết trước khi tẩu thoát. Vụ việc này làm rúng động nước Pháp vốn đang yên bình. Tuy nhiên, đó chỉ là mở màn cho chuỗi sự kiện khủng bố suốt một năm dài. Chỉ sau vụ Charlie Hebdo hai ngày, một tay súng khác tiến hành bắt cóc nhiều con tin tại một siêu thị của người Do Thái ở phía bắc Paris, bắn chết bốn người, tuyên bố sẽ “không tha cho bất kể một con tin nào” nếu cảnh sát tấn công hai nghi phạm đang tẩu thoát trong vụ tấn công Charlie Hebdo. Rất may cảnh sát Pháp đã hạ gục các tay súng.

Khoảng sáu tháng sau đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã phải thốt lên rằng “Chủ nghĩa Hồi giáo một lần nữa tấn công Pháp” khi một kẻ Hồi giáo cực đoan đã chặt đầu một người quản lý nhà máy tại nhà máy khí đốt Air Products của Mỹ ở Lyon. Hai tháng sau sự kiện này, một chiến binh thánh chiến tiếp tục tìm cách tấn công chuyến tàu hỏa trên đường đến Paris nhưng đã bị khống chế trước khi hành động. Nỗi ám ảnh IS dường như lên đến đỉnh điểm khi đến tháng 11-2015, gần 130 người thiệt mạng vào đúng thứ Sáu ngày 13 khi các tay súng khủng bố tấn công nhà hàng, sân vận động quốc gia Stade de France, nhà hát Bataclan tại thủ đô Paris. Sự việc kéo dài đến ngày 14-11 sau khi tám tên khủng bố hoàn toàn bị tiêu diệt. Tổng thống Pháp Francois Hollande phải tuyên bố nước Pháp lâm vào “chiến tranh” do IS gây ra với sự trợ giúp từ bên trong đất nước này. “Đèn đỏ” khủng bố dường như vẫn được Pháp bật sáng, đặc biệt trong các sự kiện Giáng sinh vừa qua và đón chào năm mới sắp tới.

Điểm sáng hiếm hoi của thế giới: Myanmar

Trong năm 2015, Myanmar có lẽ là điểm sáng đáng kể nhất đối với thế giới khi tiến trình dân chủ của nước này được thế giới công nhận đạt nhiều thành quả. Tạp chí danh giá The Economist đã bình chọn “Quốc gia của năm 2015” chính là Myanmar sau khi cân nhắc những thành quả của Mỹ, Nga, châu Âu và nhiều quốc gia khác. Đất nước chùa tháp đã trải qua hơn năm thập niên bị chính quyền độc tài quân sự kiểm soát nghiêm ngặt. “Năm năm trước Myanmar vẫn còn chìm trong chế độ độc tài, nơi ngay cả những tấm ảnh của lãnh đạo phe đối lập Aung San Suu Kyi bị cấm tiệt trên báo chí” - The Economist nhắc lại. Tháng 11-2015 là dấu mốc lịch sử khi đảng của bà Suu Kyi chiến thắng tuyệt đối với số phiếu ủng hộ lên đến 77%. Chính quyền quân sự đã lên tiếng nhận “thất bại” và sẵn sàng chia sẻ quyền lực. Mặc dù quá trình chuyển giao quyền lực đến nay vẫn còn nhiều khó khăn và chưa có kết quả cuối cùng nhưng Myanmar xứng đáng với danh hiệu “Đất nước có nhiều tiến bộ nhất năm 2015”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới