Mặc dù Chính phủ, Bộ TN&MT cũng như TP.HCM yêu cầu phải tạo thuận lợi nhất để giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân nhưng thực tế xuống đến địa phương, mọi việc không phải luôn suôn sẻ tốt đẹp. Điều đáng buồn nhất là tình trạng các cơ quan “đá” nhau khiến người dân vất vả, gần như bế tắc.
Như trường hợp người dân ở quận Bình Tân, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất bảo về phường xác nhận lại đơn xin cấp giấy chứng nhận thì nơi này sẽ giải quyết. Về phường thì phường trả lời: Đơn đã chứng rồi thì không chứng lại, văn phòng đăng ký phải nhận cho dân. Cầm công văn của phường quay lại thì văn phòng đăng ký khẳng định yêu cầu của mình có cơ sở. Quay lại phường lần nữa, đại diện phường vẫn khẳng định mình đúng. Mỗi bên một lý lẽ, chỉ tội người dân chạy qua chạy lại không biết làm sao để được một trong hai bên chịu nhận đơn.
Một trường hợp khác cũng chịu thua trước yêu cầu “đá” nhau của các cơ quan trong cùng một quận. Nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, Phòng TN&MT trả hồ sơ yêu cầu phải cập nhật tuyến hẻm trước do trong khu đất đã hình thành một tuyến hẻm do người dân tự đầu tư. Hỏi Phòng QLĐT cách cập nhật tuyến hẻm thì nơi này hướng dẫn: Phải chuyển mục đích sử dụng đất xong thì mới có thể xin phép xây dựng con đường và cập nhật hẻm. Thử hỏi với hướng dẫn như vậy, người dân thực hiện cách nào?
Thiết nghĩ quan điểm khác nhau trong việc đánh giá một vấn đề là lẽ bình thường. Tuy nhiên, đó là việc nội bộ của các cơ quan nhà nước và các bên phải tự ngồi lại, trao đổi những bất đồng để từ đó có một hướng dẫn thống nhất cho người dân thực hiện khả thi. Nếu không tự giải quyết được thì phải có một cơ quan cấp trên phân xử, chỉ đạo. Nếu mỗi bên một nhận định, không ai chịu ai thì quá tội nghiệp cho người dân. Kêu gọi người dân tuân thủ pháp luật, không mua bán giấy tay, không xây dựng trái phép, không tự tách thửa phân nền… nhưng người dân làm là gặp khó, thậm chí bế tắc. Bảo sao người dân vẫn luôn ngao ngán về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục nhà đất.