Lâu năm nhất trong hệ thống các giải thưởng âm nhạc thường niên chính là giải thưởng âm nhạc Làn sóng xanh của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH). Đây là năm thứ 20 giải thưởng này tổ chức và đây cũng là năm đầu tiên VOH phối hợp với một đơn vị ngoài tham gia việc tổ chức giải thưởng.
Làn sóng xanh kết hợp chạy bộ?
Thực tế, các giải thưởng càng lâu thường rơi vào tình trạng bão hòa và khó kêu gọi tài trợ. Đặc biệt giải thưởng của một đài như VOH với Làn sóng xanh hay báo Người Lao Động với Mai vàng hoàn toàn khác những giải âm nhạc của các doanh nghiệp truyền thông như: POPS Awards, Zing Music Awards, Keeng Young Awards, Ngôi sao xanh (Tập đoàn IMC)… Thế nên, việc Làn sóng xanh năm nay mở rộng kết hợp với đơn vị truyền thông là Công ty Cổ phần Dịch vụ và giải trí Thanh Niên để tổ chức âu cũng là điều khó tránh khỏi. Dẫu vậy, việc hỗ trợ, tài trợ nên chăng chỉ dừng ở góc độ kiếm tiền giúp chứ không nên nhúng tay vào các hạng mục hay tổ chức giải thưởng. Đơn cử như giải Mai vàng, một giải thưởng lâu năm không kém cạnh Làn sóng xanh, năm nay cũng đã 23 năm tổ chức nhưng chí ít Mai vàng vẫn giữ tiêu chí giải thưởng của riêng mình, các nhà tài trợ sẽ giúp sức hoành tráng hơn cho giải thưởng chứ không xen vào được yếu tố chuyên môn, cách thức tổ chức giải thưởng.
Ngược lại, giải Làn sóng xanh năm nay lại có quá nhiều công bố rồi thụt lùi vào phút chót. Trước đó, ban tổ chức giải thưởng công bố sẽ có hai đêm nhạc gala Làn sóng xanh thì nay chỉ còn một đêm vào 12-1-2018. Và sự kiện vốn dĩ chỉ nên dành để tôn vinh giải âm nhạc 20 năm Làn sóng xanh lại trở thành một sự kiện văn hóa thể thao (?!). Cụ thể, trong suốt ngày 12-1-2018, tại sân vận động Quân khu 7 sẽ có cả sự kiện Đường chạy xanh với đường chạy marathon đóng góp quỹ các nghệ sĩ neo đơn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, hình hài những hạng mục giải thưởng âm nhạc, điều làm nên thương hiệu Làn sóng xanh, vẫn không ai biết ở đâu; khán giả chỉ thấy hình ảnh của một sự kiện văn hóa thể thao còn chưa rõ ràng ca sĩ tham dự nhưng được công bố nhằm mục tiêu kêu gọi tài trợ, bán vé. Thường hằng năm khán giả đến với Làn sóng xanh với vé mời miễn phí thì năm nay phải mua vé từ 450.000 đến 1.050.000 đồng/vé gồm cả sự kiện chạy bộ từ 16 giờ chiều và sự kiện lễ trao giải vào buổi tối.
Ca sĩ Bích Phương được vinh danh tại Giải thưởng âm nhạc Zing 2016. Ảnh: BTC cung cấp
Các giải âm nhạc trực tuyến hướng đến chuyên môn
Giải thưởng âm nhạc mới nhất trong các giải thường niên chính là Giải thưởng âm nhạc Keeng (Keeng Music Awards - KMA) vừa công bố vào chiều 19-12 tại TP.HCM. Đây là giải thưởng của mạng xã hội âm nhạc Keeng và dịch vụ nhạc chờ Imuzik tổ chức nhằm tôn vinh những nghệ sĩ trẻ dưới 30 tuổi có cống hiến cho âm nhạc.
KMA là một giải thưởng mới mẻ nên hiển nhiên sẽ còn phụ thuộc nhiều vào lượt nghe, xem, tải của user; nhưng với các giải thưởng âm nhạc trực tuyến lâu năm hơn thì các yếu tố này không còn là tiêu chí hàng đầu nữa. Đơn cử như giải thưởng POPS của mạng lưới đa kênh (MCN) POPS tổ chức thì ở năm thứ tư này, bên cạnh những hạng mục giải thưởng cho các nhóm/nhà sáng tạo (creator) dựa trên lượt nghe, xem, tải thì năm nay nhiều hạng mục của POPS sẽ hướng đến vinh danh các sản phẩm, nghệ sĩ đi sâu chuyên môn, tạo được xu hướng thị trường trong năm. Có thể thấy trong năm 2017 nhiều sản phẩm, dự án của các nghệ sĩ như: Hà Anh Tuấn, Văn Mai Hương, Đàm Vĩnh Hưng… sẽ là những cái tên đáng chú ý khi các giải thưởng hướng đến chuyên môn.
Hay Zing Music Awards sẽ không dựa vào chỉ số Z tổng hợp từ lượt xem, nghe, tải… như mọi năm mà dựa vào bảng xếp hạng Zing Chart. Zing Chart đo lường sức ảnh hưởng của tác phẩm hay nghệ sĩ dựa trên người nghe thực (Unique Listeners). Bảng xếp hạng Zing Chart này cũng được chọn cho các nghệ sĩ Việt Nam ở giải thưởng âm nhạc Mnet Asian (Mnet Asian Music Awards - MAMA) của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Zing Music Awards vẫn sẽ giữ năm giải thưởng riêng biệt do hội đồng nghệ thuật bình chọn.
Trong nhiều năm liên tục Zing Music Awards tổ chức như lễ hội âm nhạc với gala trao giải dành cho hàng ngàn khán giả ở nhà hát, nhà thi đấu… Và từ năm ngoái, đêm trao giải được đặt tên thành Zing Music Space (Không gian âm nhạc Zing); năm nay chương trình tiếp tục hứa hẹn là không gian của lễ hội âm nhạc vào tối 24-1-2018 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM). Và năm nay POPS cũng hướng đến giải thưởng với đêm trao giải có 3.000 khán giả ở Nhà thi đấu Quân khu 7 vào tối 17-1-2018 chứ không gói gọn trong không gian cho chưa đến 1.000 khán giả như mọi năm.
Các giải thưởng âm nhạc giúp thị trường âm nhạc trở nên rộn ràng, nghệ sĩ có đất diễn và được cả vinh danh, khán giả có thêm những đêm diễn miễn phí để xem… vào cuối năm. Mong sao các giải thưởng âm nhạc thật sự phác họa được thị trường với những vinh danh xứng đáng chứ không chỉ là nơi để nhà tài trợ, doanh nghiệp… tự hát, tự khen.
Tin xu hướng làm album sẽ trở lại Đã là nghệ sĩ thì phải có album nhưng các bạn trẻ bây giờ đã bỏ qua điều này trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Tôi vẫn tin trong sang năm và một vài năm tới, xu hướng thực hiện album sẽ trở lại và các giải thưởng lại rộn ràng với hạng mục này. Nhạc sĩ Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Giải âm nhạc Keeng Vắng bóng album ở các giải âm nhạc Cùng sự nở rộ nhạc số chính là sự vắng mặt của hạng mục Album xuất sắc, Album của năm tại các giải thưởng âm nhạc thường niên. Trong các giải thưởng âm nhạc nổi bật năm nay, chỉ duy nhất Zing Music Awards là giải còn giữ hạng mục Album của năm nhưng năm nay giải thưởng này cũng bỏ hạng mục album để thay thế bằng Nhạc sĩ của năm như một cách tôn vinh người sáng tác. |