Hai trong số năm hiệp sĩ đã nằm xuống, nằm im dưới lòng đất mẹ; ba người còn lại vẫn phải nằm điều trị trong BV. Nước mắt, nỗi buồn vì mất đi người thân, mất đi người con, người yêu, người anh em đã từng sống chết có nhau vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của người ở lại.
Xót thay, cái chết đó không không còn là câu chuyện như trong một bộ phim. Nó có thực, hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta. Những người dân hiền lành, chân chất, trong tay không bất cứ một quyền lực gì, họ chỉ có một thứ duy nhất: Tinh thần nghĩa hiệp, vì cuộc sống bình yên của tất cả mọi người!
Chẳng ai ràng buộc họ phải có trách nhiệm với cuộc sống của người khác. Nhưng tự thân họ thấy họ cần phải làm vậy, họ phải có trách nhiệm với xã hội này. Chỉ với ý nghĩ đó, họ rảo khắp những con phố vào mỗi tối để giữ sự ấm êm, bình yên cho tất thảy mọi người mà không đòi hỏi điều chi. Khi cả thành phố này đang chìm vào giấc ngủ sâu, họ vẫn thức, không dửng dưng trước những vấn nạn nhức nhối của xã hội.
Nếu hôm nay, họ không nằm im bất động giữa con phố náo nhiệt, thân thể đầy những vết đâm và hai trong số đó đã vĩnh viễn từ giã cõi đời này... Thì liệu có ai trong số chúng ta, sẽ biết đến họ: Là những “hiệp sĩ” đường phố, là người ngày đêm vẫn đang canh giữ sự bình yên cho chúng ta say giấc?! Nếu họ không nằm xuống, cũng chẳng ai biết được rằng họ đã có cuộc sống cơ cực, nghèo khó đến như vậy. Đó, là anh Nguyễn Văn Thôi mỗi ngày phải bươn chải nhiều nghề từ rửa xe, làm thợ sửa xe, chạy xe ôm để kiếm sống. Đó, là người thanh niên trẻ chuẩn bị cưới vợ vào cuối năm nay mà ngờ đâu giờ đã chia xa. Gương mặt người mẹ già hằn sâu những nếp nhăn, đớn đau khi tiễn con đi. Là những tiếng nấc nghẹn của cô gái khi người chồng tương lai của mình nằm im lìm ngay trước mắt; là câu hỏi quay quắt của đứa con trai 10 tuổi: “Ai đưa đón con bây giờ?”
Họ đã làm những việc đó một cách thầm lặng, dù người nhà có can ngăn thì vẫn quyết chí làm việc tử tế cho đời. Không cần ai biết, cũng chẳng cần những lời khen tặng, cũng không màng đến những tấm huân chương, sự tôn vinh của bất cứ ai. Họ làm vì bản thân họ tự thấy họ cần phải làm. Thậm chí, ngay cả sinh mệnh của mình cũng đã đánh đổi. Như cách mà “hiệp sĩ” ĐCT đã tâm tình với tôi: “Tụi anh làm, đâu phải vì hai chữ hiệp sĩ mà mọi người vẫn hay gọi. Làm là làm thôi, chẳng quan tâm đến cái danh làm gì cả em ạ”.
Tôi còn nhớ rõ, trong tiếng nấc nghẹn, bà Lâm Thị Nhung, mẹ anh Nam, đã nói rằng: “Nam làm việc nghĩa, tôi tự hào chứ. Mẹ tự hào nhưng mẹ đau quá con à...”.
Ừ thì, người làm cha, làm mẹ nào mà chẳng tự hào khi con mình làm được điều hay, điều tử tế cho xã hội. Nhưng làm sao, để niềm tự hào đó của người mẹ không trở thành nỗi đau, để mẹ không phải thốt lên “mẹ đau quá con à” là điều mà các cơ quan chức năng cần phải suy ngẫm!