Một quan chức Hải quân Nga cho biết: “Tất nhiên, tàu chiến Mỹ sẽ không xâm nhập lãnh hải Nga”. Nhưng đến ngày 12/4 một máy bay chiến đấu SU-24 của Nga đã bay rất thấp, áp sát tàu USS Donald Cook trong vùng biển quốc tế ở phía tây Biển Đen. Tàu USS Donald Cook đã tìm cách liên lạc với chiếc máy bay này nhưng không thành. Vụ việc này làm người ta nhớ lại vụ va chạm giữa các tàu Mỹ và tàu Liên Xô tại Hải phận Liên Xô gần Crimea các đây 26 năm, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Đối đầu trực tiếp
Trong những năm nửa sau thập kỷ 80 của thế kỷ trước, có lẽ Mỹ và Phương Tây cho rằng ngày tàn của Liên Xô đang điểm và để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đó đã tiến hành nhiều hoạt động, trong đó có cả khiêu khích quân sự nhằm chứng minh với cả thế giới biết sự bất lực của Quân đội Xô Viết. Vụ máy bay của Rust vượt qua hệ thống phòng không của Liên Xô hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ là một ví dụ điển hình.
Tàu chiến Mỹ cố tình thâm nhập lãnh hải Liên Xô và địa điểm mà Hải quân Mỹ thường chọn để phô trương sức mạnh là vùng biển quanh Crimea.
Ngày 13/03/1986 tàu tuần dương tên lửa “Yorktown” và tàu khu trục “Caron” của Mỹ đã vào sâu 6 hải lý trong lãnh hải Liên Xô. Không những thế, các rađa, kể cả các phương tiện trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện được mở hết công suất. Đây rõ ràng là một thách thức công khai đối với Liên Xô lúc đó.
Hội đồng quốc phòng Liên Xô họp mùa hè năm 1986 dưới sự chủ trì của M.Gorbachev gồm chủ tịch KGB Chebrikov, Bộ trưởng Quốc phòng Sokolov, Bộ trưởng Ngoại giao Shevardnadze (sau này là Tổng thống Gruzia sau khi Liên Xô tan vỡ) cùng các thành viên khác đã đồng ý với đề nghị trên.Tư lệnh Hải quân Liên Xô đô đốc V.Chernavin coi vụ khiêu khích này là một sự sỉ nhục cá nhân. Ông đề nghị giới lãnh đạo tối cao cho phép đẩy đuổi (theo nghĩa cụ thể nhất của từ này) các tàu nước ngoài ra khỏi lãnh hải Xô Viết bằng các biện pháp cứng rắn nhất, kể cả cho tàu Liên Xô cơ động gây nguy hiểm trước mũi tàu địch, cho tàu Xô Viết lao vào mạn tàu của đối phương, thậm chí là đâm trực diện nếu cần thiết.
Tàu khu trục tên lửa USS Donald Cook thuộc lớp tàu khu trục “Arleigh Burke” được trang bị hệ thống phòng không Aegis với các tên lửa phòng không và tên lửa Tomahawk
Tư lệnh Hạm đội Biển Đen, đô đốc M. Khronopulo, sau khi được sự cho phép của Tư lệnh Hải quân Liên Xô V.Chernavin, đã ra lệnh ngăn chặn vụ khiêu khích trên ngay khi 2 tàu Mỹ vừa vượt ranh giới lãnh hải. Hai tàu được lệnh chặn tàu tuần dương tên lửa “Yorktown” và tàu khu trục “Caron” của Mỹ là tàu tuần tiễu “Bezzavetnyi” và tàu “SKR-6 (cũng là tàu tuần tiễu) do đại úy bậc II V.Bordashin và đại úy bậc III A.Petrov chỉ huy.
Hai năm sau, ngày 12/02/1988, vẫn 2 tàu “Yorktown” và “Caron” lại đi vào hải phận Liên Xô ở khu vực Crimea (thực ra, tình báo Hải quân Liên Xô đã biết trước và đã có kế hoạch đối phó, “đón tiếp” và kèm 2 tàu này từ eo biển Bosphorus. Các tàu Liên Xô đã thông báo cho các tàu Mỹ là họ sẽ đi kèm “để giúp đỡ nếu có tình huống gì đó xảy ra; các tàu Mỹ trả lời là không cần nhưng phía Liên Xô thông báo lại là: “các ông là khách, mà theo truyền thống hiếu khách của người Nga thì không thể bỏ mặc khách được!).
Một số diễn biến
10h45, ngày 12.02.1988. Tàu tuần dương “Yorktown” và tàu khu trục “Caron” vượt biên giới trên biển, xâm nhập lãnh hải Liên Xô mặc dù đã được cảnh báo là: “không được phép xâm nhập lãnh hải Liên Xô”.
SKR-6 (lượng giãn nước 1.300 tấn) được lệnh cơ động chặn trước mũi tàu khu trục “Caron” (lượng giãn nước 7.800 tấn), nhưng tàu này tránh va chạm với SKR-6, đổi hướng và vẫn tiếp tục vào sâu lãnh hải Liên Xô. Các tàu tuần tiễn Xô Viết được lệnh tiếp tục bám sát các tàu chiến Mỹ - lúc này đã được xác định là các tàu của địch xâm nhập lãnh hải Liên Xô chứ không còn là “tàu lạ” nữa.
10h56. Các tàu tuần tiễu Xô Viêt, mặc dù có kích cỡ nhỏ hơn nhiều nhưng vẫn tiếp tục áp sát các tàu Mỹ.
Một chi tiết thú vị. Khi quan sát tàu tuần tiễn Xô Viết tiếp cận, các thủy thủ tàu Mỹ tập trung cả trên boong tàu, cười chế nhạo và chụp ảnh “mấy thằng Ivan mất trí”.
SKR-6 đang tiếp cận “Caron”
11h02. Tàu “Bezzavetnyi” (lượng giãn nước 3.000 tấn) đâm vào mạn trái của tàu tuần dương Mỹ tên lửa Mỹ “Yorktown” (lượng giãn nước 9.200 tấn) ở một góc 30 độ. Một vết cắt sâu trên mạn tàu, sơn tàu bốc cháy và các thủy thủ tàu Mỹ bắt đầu hoảng loạn, mất hẳn vẻ ngạo mạn ban đầu. Trên boong lúc này không còn một thủy thủ. Tàu nổi còi báo động. Nhưng đã muộn. Tay vịn lan can mạn tàu bị xô đổ, bệ phóng tên lửa “Harpoon” bị hỏng nặng, trên tàu xuất hiện các đám cháy và đội cứu hỏa cuống cuồng dập lửa.
Cùng thời điểm đó, “SKR-6” cũng lao thẳng vào mạn trái phía sau của tàu khu trục “Caron”.
Các chỉ huy tàu Mỹ bị sốc. Họ không ngờ các thủy thủ Liên Xô trên những chiếc tàu tuần tiễu kích thước nhỏ lại có những hành động đáp trả quyết liệt như vậy. Ngay sau đó, chỉ huy các tàu Mỹ gửi điện khẩn báo cáo tình hình về Bộ quốc phòng Mỹ. Cũng gần như ngay lập tức Bộ ngoại giao Mỹ gửi công hàm phản đối đến Bộ ngoại giao Liên Xô.
Shevardnadze (Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô), dường như “quên” quyết định của Hội đồng quốc phòng họp 2 năm trước (như đã nói ở trên) điện ngay cho Bộ quốc phòng (Liên Xô) yêu cầu làm rõ và xử lý những kẻ “khiêu khích gây ra cuộc xung đột quân sự Liên Xô- Mỹ”. Trớ trêu hơn là ông này cho rằng chính các thủy thủ Xô Viết là thủ phạm chứ không phải là những người Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia mà ông ta làm bộ trưởng ngoại giao.
11h40. Tư lệnh Hạm đội Biển Đen ra lệnh cho các tàu “Bezzavetnyi” và SKR-6: thoát ly và sẵn sàng tấn công lần hai.
Các tàu “Caron” và “Yorktown” sau đó ép tàu “Bezzavetnyi” từ hai bên. Chỉ huy tàu “Bezzavetnyi” ra lệnh nạp bom vào các tổ hợp phóng bom phản lực “RBU-6000 (lính thủy Mỹ trông thấy vì khoảng cách lúc này chỉ vào khoảng 50 đến 60 m) và triển khai các tổ hợp trên về cả hai hướng. Tất cả các thủy thủ vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Có vẻ các động tác đã gây ấn tượng cần thiết và các tàu Mỹ bắt đầu giãn ra.
Lao vào tàu Mỹ từ phía sau
Cùng thời gian đó, trên tàu tuần dương của Mỹ 2 chiếc máy bay lên thẳng bắt đầu khởi động. Chỉ huy “Bezzavetnyi” báo cáo Sở chỉ huy Hạm Đội và nhận được lệnh: “hãy thông báo cho phía Mỹ biết là nếu máy bay lên thẳng của họ cất cánh, chúng sẽ bị bắn hạ ngay lập tức vì đã xâm phạm không phận Liên Xô”. Đồng thời Sở chỉ huy Hạm đội cũng ra lệnh ngay cho chỉ huy Không quân của Hạm đội: “Ngay lập tức cho 2 chiếc cường kích cất cánh! Nhiệm vụ: bay vòng trên các tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải nhằm ngăn các máy bay lên thẳng cuả chúng cất cánh”.
Sở chỉ huy không quân Hạm đội báo cáo: “Hiện một tổ máy bay lên thẳng của ta đang có mặt tại khu vực mũi “Sarych” gần khu vực xảy ra vụ việc. Đề nghị không điều các máy bay cường kích mà cho 2 máy bay lên thẳng tới. Như vậy nhanh hơn nhiều và các máy bay lên thẳng của ta sẽ thực hiện nhiệm vụ “ngăn không cho máy bay lên thẳng Mỹ cất cánh hiệu quả hơn”. Tư lệnh Hạm đội Biển Đen đồng ý với đề nghị trên và lệnh cho 2 Mi-26 cất cánh.
Nhận được thông tin trên, chỉ huy tàu “Bezzavetnyi” lại một lần nữa cảnh báo các máy bay trên tàu Mỹ không được phép cất cánh nhưng dường như không có tác động. Cánh quạt máy bay Mỹ vẫn quay. Đúng thời gian đó 2 chiếc Mi-26 với đầy đủ vũ khí treo dưới thân xuất hiện và bay mấy vòng phía trên đầu tàu Mỹ ở độ cao chỉ từ 50 đến 60 m. Sự có mặt gần như tức thời của 2 M-26 đã có tác động rõ rệt. Cánh quạt các máy bay Mỹ dừng hẳn.
Kết quả là, các tàu chiến Liên Xô đã không cần đến một cuộc tấn công lần hai. Tàu tuần dương và khu trục Mỹ, sau khi bị hư hại do bị các tàu Xô Viết đâm vào đã vội vã rời lãnh hải Liên Xô và ngay ngày hôm sau đã rời Biển Đen.
Từ đó về sau, các tàu Mỹ không còn lần nào vi phạm lãnh hải Liên Xô nữa. Không những thế, Bộ Quốc phòng Mỹ tìm mọi cách làm thân với Hải quân Liên Xô. Tư lệnh Hải Quân Liên Xô V. Chernavin và vợ được mời đến Mỹ và được đón tiếp rất trọng thị.
Nhưng tại Moscow tháng 2/1988, do giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó đang “ve vãn” Mỹ nên thái độ đối với vụ việc lại hoàn toàn khác.
Biên bản về quyết định của cuộc họp Hội đồng quốc phòng 1986 tự dưng “thất lạc” trong hồ sơ lưu trữ và trong trí nhớ của các thành viên tham dự cuộc họp. Nếu không có một quyết định như vậy thì Tư lệnh Hải quân Xô Viết V.Chernavin đối mặt với cáo buộc “tự tiện hành động” gây “tổn hại cho mối quan hệ hữu nghị” Liên Xô – Mỹ”. Và không chỉ ông, chỉ huy các tàu “Bezzavetnyi” và “SKR -6” , Tư lệnh Hạm đội Biển Đen cũng khó tránh khỏi bị cách chức và các hình thức kỷ luật khác.
Nhưng rất may cho họ - duy nhất có một thành viên tham gia cuộc họp là Chủ tịch KGB Chebrikov còn “nhớ” nội dung này và nhắc lại cho các thành viên khác trong giới lãnh đạo Liên Xô. Không những thế, Bộ Tham mưu Hải quân cũng vẫn còn giữ được bản sao quyết định của Hội đồng quốc phòng. Và cũng rất có thể là người Mỹ, do đánh giá cao lòng quả cảm và kỹ năng của các thủy thủ Xô Viết nên đã không khăng khăng đòi hỏi phải có “vật tế thần” cho mối quan hệ “hữu nghị giữa hai nước”.
M.Gorbachev đến lúc đó cũng “chợt nhớ ra” là đã có một cuộc họp như vậy, nhưng “đề nghị” V. Chernavin” sau này đừng làm điều gì “để người Mỹ phải bực mình” nữa.
Chính vì thế mà đã không có điều gì xảy ra với các chỉ huy và thủy thủ Xô Viết tham gia vụ đẩy đuổi tàu địch ra khỏi lãnh hải Liên Xô.
Một nhà phân tích Nga khi nhắc lại sự kiện này đã nhận xét: Có lẽ, trong bối cảnh hiện nay, các thủy thủ các tàu Mỹ đang có mặt tại Biển Đen, nếu nhớ lại vụ lao tàu dũng cảm của các thủy thủ Xô Viết 26 năm trước đây sẽ không quá “nhiệt tình” phô trương sức mạnh tại những nơi có các tàu chiến Nga hoạt động, nhất là quanh Crimea – nhất là khi giới lãnh đạo Nga hiện nay đã cứng rắn hơn nhiều.
Năm 1997, tàu “Bezzavetnyi” được chuyển giao cho Ukraine, được đổi tên thành “Dnhepropetrovsk” nhưng sau đó không ra biển lần nào. Một thời gian sau, tàu này được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2006, bị chìm khi đang được lai dắt (có lẽ để lấy tiền bảo hiểm). Còn tàu “SKR-6 thì đến năm 1990 bị xẻ ra bán sắt vụn. Nhưng một số nhân vật chính tham gia sự kiện này có số phận may mắn hơn. V.Selivanov - lúc đó là phó đô đốc, tham mưu trưởng Hạm đội Biển Đen, sau được thăng đô đốc và là Tham mưu trưởng Hải quân; V.Bordashin, chỉ huy tàu “Bezzavetnyi” sau được thăng phó đô đốc; còn A.Petrov, chỉ huy tàu “SKR-6” sau được phong từ đại úy bậc III lên đại úy bậc II.
Lê Hùng