Mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bà Đào Thị Hương Lan (cựu giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, trú quận 2, TP.HCM). Bà Lan bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015 và đã bỏ trốn. Hiện vẫn chưa rõ bà Lan còn ở trong nước hay đã ra nước ngoài.
Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao đã cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp các bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài và không… trở về.
Bà Đào Thị Hương Lan - người đã bỏ trốn (trái) và Vũ “nhôm” - người từng trốn ra nước ngoài. Ảnh: BCA - HOÀNG GIANG
Bàn về vấn đề này, ThS Trần Thanh Thảo, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, cho rằng quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú và công văn tạm hoãn xuất cảnh là hai biện pháp ngăn chặn khác nhau trong tố tụng hình sự. Quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú không đương nhiên bao gồm công văn tạm hoãn xuất cảnh.
Theo ThS Thanh Thảo, trước đây, đối với trường hợp các đối tượng bị khởi tố và được cho tại ngoại thì CQĐT áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú chỉ gửi cho chính quyền địa phương và các cơ quan tố tụng có liên quan mà không gửi cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Do đó, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp các bị can, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài và không trở về.
Để khắc phục tình trạng này, theo ThS Thanh Thảo, tại Điều 109 BLTTHS 2015 quy định: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”.
Như vậy, ngoài việc cấm đi khỏi nơi cư trú thì BLTTHS 2015 đã bổ sung quy định “tạm hoãn xuất cảnh”.
Trao đổi với PLO, một điều tra viên của CQĐT VKSND Tối cao cũng thừa nhận trước đây quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú chỉ có gửi cho chính quyền địa phương nên vẫn có tình trạng bị can mua vé máy bay bỏ ra nước ngoài. Do đó, hiện nay khi đã cấm đi khỏi nơi cư trú thì cùng lúc CQĐT gửi công văn “tạm hoãn xuất cảnh” cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thì lúc này, dù là đường bộ, đường thủy hay đường hàng không, các đối tượng không thể bỏ trốn ra nước ngoài.
(PL)- Theo luật sư, đã cấm đi khỏi nơi cư trú thì phải cấm luôn xuất cảnh thì bị can mới khó có cơ hội bỏ trốn.