Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp. Ảnh: T.PHÚ
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật về hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng việc dự thảo luật quy định các hội hoạt động trong phạm vi cấp xã với số lượng thành viên từ 10 người trở lên muốn thành lập hội đều phải trải qua một trình tự, thủ tục chung như đối với hội được thành lập ở quy mô toàn quốc là không hợp lý. Nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp sẽ khó có đủ số lượng hội viên để thành lập hội.
Ngoài ra, quy định các trình tự, thủ tục đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận làm cho việc thực hiện quyền lập hội thêm khó khăn, trở ngại. Ông Lý cũng cho rằng việc quy định điều kiện thành lập hội là “lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp hội hợp pháp được thành lập trước” là chưa phù hợp, vì bản chất của hội là tổ chức tự nguyện của những cá nhân, tổ chức có cùng tôn chỉ, mục đích, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng hoặc phạm vi hoạt động của hội trên địa bàn khác nhau. “Quy định của dự thảo luật không tạo được cơ chế khuyến khích các hội phải nâng cao hiệu quả hoạt động, không khắc phục được tình trạng hoạt động hình thức của nhiều hội, chưa bảo đảm bình đẳng giữa các hội và có thể dẫn đến hạn chế quyền lập hội của công dân” -ông Lý nói.
Góp ý cho dự luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi: “Cán bộ, công chức có được thành lập hội hay không?”. Ông Cương dẫn dắt: “Hội thực chất là NGO (các tổ chức phi chính phủ - PV). Nhưng thực tế các cán bộ, công chức vừa là công chức chính phủ, vừa là thành viên của NGO, có nhiều đồng chí hôm nay họp với tư cách thành viên chính phủ nhưng ngày mai xách cặp đi họp phi chính phủ. Điều cấm không quy định, Luật Công chức cũng không quy định điều này nhưng tình trạng lẫn lộn với nhau như vậy thì giải quyết thế nào?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự án luật cần phải tính đến vấn đề cán bộ, công chức có được tham gia NGO hay không.
“Anh là cán bộ, nhân viên của cơ quan chính phủ nhưng tham gia tổ chức phi chính phủ được không? Theo tôi là không được. Cán bộ, công chức tham gia trong hệ thống chính trị có thể làm cộng tác viên của các tổ chức phi chính phủ, những người về hưu cũng có thể làm thành viên của các tổ chức này. Nhưng cán bộ, công chức thì không được là thành viên của các tổ chức phi chính phủ” - Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.