Cần bố trí điểm chôn heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi

Sáng 25-2, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nhấn mạnh như trên tại “Hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi”.

Theo ông Phát, TP.HCM đã đưa ra ba tình huống cụ thể liên quan đến bệnh dịch tả heo châu Phi. Tình huống một và hai là khi bệnh dịch tả heo châu Phi chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Tình huống ba là khi dịch bệnh đã xảy ra.

Nếu xảy ra tình huống ba thì tuyệt đối không điều trị heo nghi mắc bệnh. Đối với địa phương lần đầu phát hiện heo bị mắc bệnh buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn heo chung quanh, liền kề cho dù chưa được lấy mẫu xét nghiệm.

“Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy có thể được áp dụng với đàn heo bị bệnh có tiệu chứng lâm sàng của dịch tả heo châu Phi để chặn dịch bệnh phát tán” – ông Phát nói thêm.

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã ghi nhận ba địa phương có bệnh dịch tả heo châu Phi là Thái Bình, Hưng Yên và TP Hải Phòng.

“Hiện heo sống từ một số tỉnh phía Bắc được đưa vào các tỉnh phía Nam giết mổ cung cấp cho TP.HCM. Do vậy nguy cơ dịch tả heo châu Phi thâm nhập vào TP.HCM rất cao, cần phải quyết liệt phòng chống, kể cả tiêu hủy đàn heo nghi mắc bệnh.

Hiện mức hỗ trợ tiêu hủy heo bị dịch tả châu Phi là 38.000 đồng. Để khuyến khích người chăn nuôi TP.HCM chủ động thông báo heo bị dịch tả châu Phi, Sở NN&PTNT TP sẽ nghiên cứu đề xuất tăng mức hỗ trợ này” – ông Trung nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm